Sáng 7/8, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7, nhằm thảo luận về các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số lĩnh vực kinh tế tăng trưởng chậm. Trong ảnh: Sản xuất kính cường lực tại Công ty TNHH Nam Việt Hưng (TX. Phú Mỹ). |
CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG THẤP
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến tháng 7 các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa trở lại quy mô hoạt động như thời gian trước khi có dịch. Một số chỉ tiêu kinh tế mặc dù có tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt so với Nghị quyết đề ra.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) 7 tháng đạt 167.239 tỷ đồng, tăng 6,74%; Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.785 tỷ đồng, tăng 2,78%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 27.523 tỷ đồng, tăng 3,53%. Kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) đạt 2.670 triệu USD, tăng 5,25%; Kim ngạch nhập khẩu đạt 4.486 triệu USD, tăng 24,41%. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú giảm mạnh, đạt 1.579 tỷ đồng, giảm 50,18% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, trong 7 tháng, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 215 triệu USD; 18 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 1.661 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh thu hút 45 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 7.784 tỷ đồng; 3 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 1.664 tỷ đồng.
Trong 7 tháng qua, đã có 928 DN thành lập mới, tăng 8,67% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 10.570 tỷ đồng, tăng 22,3%. Có 217 DN đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng 5.135 tỷ đồng, tăng 99% so cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2020, đã có 362 DN hoạt động trở lại, trong đó, 329 DN hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngưng hoạt động theo qui định. 33 DN quay trở lại hoạt động trước thời hạn. Tính đến cuối tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh có 10.761 DN thực tế hoạt động.
Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương còn chậm. Báo cáo Sở KH-ĐT cho biết, tính đến cuối tháng 7/2020 giá trị giải ngân của tỉnh hơn 2.094 tỷ đồng, đạt 2,56% tổng kế hoạch vốn năm 2020. Theo ông Nguyễn Công Vinh, sở dĩ việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp là do vướng giải phóng mặt bằng, thay đổi chính sách và quy định; nguyên nhân nữa là do năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới, lại vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.
Công nhân làm việc tại khu vực nhà kho Nhà máy đạm Phú Mỹ. |
ĐỀ RA NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DN
Tại cuộc họp, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 41 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; xây dựng tài liệu, ấn phẩm phổ biến về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV tham gia các hiệp định CPTPP. Tiếp tục thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh trong năm 2020. Ngoài ra, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các BQLDA chuyên ngành khẩn trương hoàn tất hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch 2020 thông qua các cơ quan liên quan thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong ảnh: Thi công dự án thoát nước Lê Hồng Phong - Cống Hộp (TP. Vũng Tàu) bằng nguồn vốn đầu tư công. |
Tiếp tục thực hiện các nội dung về hỗ trợ và phát triển DN như: Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV; Chương trình KHCN hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Chương trình xúc tiến thương mại và các chương trình, đề án khác về hỗ trợ DN, hợp tác xã...
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Lê Tuấn Quốc nhấn mạnh: Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để hoàn thành kế hoạch đề ra, các sở, ngành, địa phương cần bám sát từng nội dung công việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát lại các danh mục, nhiệm vụ trọng tâm, xem xét các vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ để đưa ra các đề xuất với UBND tỉnh. Riêng với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Tuấn Quốc yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng các dự án thuộc danh mục khởi công xây dựng mới 2020 trong quý III năm 2020; kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án còn vướng mắc, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ triển khai nhanh và đã giải ngân hết kế hoạch vốn… Lập kế hoạch và cam kết tiến độ giải ngân cho từng dự án. Trong phạm vi thẩm quyền, các sở, ngành, địa phương cần chủ động có giải pháp cụ thể hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu… phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - QUANG VŨ