Với nguồn thức ăn sẵn có từ rau, cỏ trong vườn, anh Nguyễn Tấn Hưng (thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đã thành công với mô hình nuôi thỏ, mỗi tháng cho thu nhập ổn định gần 30 triệu đồng.
Nhờ nuôi thỏ, anh Nguyễn Tấn Hưng (bên trái), ở xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức có thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng. |
Anh Nguyễn Tấn Hưng (SN 1970) cho biết, suốt 20 năm trời, anh bươn chải kiếm sống khắp các tỉnh, thành Đông Nam bộ mà vẫn không đủ sống. Cách đây 3 năm, một người bạn gợi ý chuyển nghề nuôi thỏ thương phẩm. Sau khi được tham quan các trang trại nuôi thỏ ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… nhận thấy thỏ là con vật dễ nuôi, chi phí đầu tư và nguồn thức ăn tận dụng được, sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định nên anh Hưng đã quyết định đầu tư, phát triển nuôi thỏ theo mô hình trang trại.
Khởi đầu, anh Hưng nuôi thử 14 cặp thỏ New Zealand. Nhận thấy thỏ thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển tốt, năm 2019, anh quyết định mở rộng chuồng trại để nuôi với số lượng lớn. Tổng đàn hiện nay trên 600 con, trong đó có khoảng 300 con thỏ sinh sản.
Theo anh Hưng, tùy theo độ tuổi của từng lứa thỏ mà cho lượng thức ăn vừa đủ. Để hoàn thiện quy trình nuôi công nghiệp, anh Hưng đã thiết kế đường ống nước tự động gắn vào mỗi lồng, thỏ khát có thể đưa miệng vào uống. Đây là cách vừa bảo đảm vệ sinh chuồng trại, giúp thỏ khỏe mạnh, vừa tiết kiệm thời gian, công chăm sóc.
Mỗi tháng, thỏ mẹ sinh sản một lứa từ 6 - 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg là có thể xuất bán.
Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi ngày anh Hưng xuất bán từ 10 - 20 con thỏ thương phẩm, với giá 70 ngàn đồng/kg. Nếu khách có nhu cầu mua giống, anh Hưng bán 150 ngàn đồng/kg, thỏ con thì 150 ngàn đồng/cặp. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng anh Hưng thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng.
“Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thỏ thương phẩm của các nhà hàng trên địa bàn TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa là khá lớn, khoảng 50 con thỏ thịt/ngày. Trong khi đó, trại của gia đình tôi chỉ đáp ứng khoảng 20 con/ngày, do đó tôi đã cung cấp giống, hướng dẫn cho các hộ gia đình trong và ngoài huyện có nhu cầu nuôi thỏ để cùng liên kết, cung cấp đủ nguồn hàng cho thị trường tiêu thụ”, anh Hưng nói.
Anh Hưng cho biết, nuôi thỏ tuy đơn giản, nhưng khâu chăm sóc phải tỉ mỉ, đặc biệt là phải chú ý tiêm vắc-xin phòng các bệnh nấm, ghẻ, tụ cầu trùng… Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ từ 5 - 7 ngày phải phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ chuồng trại, mùa đông phải che chắn giữ ấm. Theo quan sát, tuy nuôi thỏ số lượng nhiều nhưng trang trại của gia đình anh Hưng rất sạch sẽ vì phân, nước tiểu của thỏ đã được xử lý bằng men vi sinh và xơ dừa.
Trong thời gian nuôi thỏ, ngoài việc tận dụng nguồn phân thỏ thải ra để bón cho diện tích trồng cỏ, rau làm thức ăn cho thỏ, anh Hưng còn sử dụng chất thải của thỏ trộn với các phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân vi sinh bán cho các nông hộ trồng trọt có nhu cầu, kiếm thêm khoảng 40 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi thỏ, gia đình anh Hưng đã có cuộc sống ổn định, ngày càng phát triển.
Theo ông Hoàng Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành, cùng với các mô hình chăn nuôi dê, nuôi bò, nuôi cá nước ngọt… thì mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Tấn Hưng góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi trên địa bàn xã Nghĩa Thành.
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TRUNG