Bảo đảm quy tắc xuất xứ - chìa khóa tận dụng EVFTA

Thứ Hai, 03/08/2020, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Nếu EVFTA được ví như đại lộ hay đường cao tốc kết nối thương mại Việt Nam-EU thì chất lượng sản phẩm và đáp ứng quy tắc xuất xứ chính là “giấy thông hành” để DN Việt Nam, trong đó có BR-VT tận dụng hiệu quả các ưu đãi về mặt thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường EU.

Thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, các DN dệt may Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có thể nhập vải từ các nước có ký hiệp định FTA với EU như Hàn Quốc để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường này.  Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tân Mỹ.
Thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, các DN dệt may Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có thể nhập vải từ các nước có ký hiệp định FTA với EU như Hàn Quốc để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường này. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tân Mỹ.

THUẾ SUẤT VỀ 0%, TĂNG CƠ HỘI MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Điều này giúp DN tăng kim ngạch xuất khẩu ở những mặt hàng mà địa phương có lợi thế riêng như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... với thuế suất về 0%. Các DN cũng sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu nếu biết tận dụng tối đa lợi thế.

Đối với BR-VT, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội để hàng hóa của tỉnh hội nhập vào thị trường cao cấp. Và bằng chứng là hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như: dệt may, giày dép, thủy hải sản, cao su, máy móc… đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, trong đó có EU.

Đối với lĩnh vực thủy sản, một trong những thế mạnh của BR-VT, Hiệp định EVFTA có hiệu lực thuế ưu đãi sẽ giảm về 0% sẽ giúp các DN thủy sản tăng được giá trị sản phẩm và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của một số nước như Thái Lan, Ấn Độ do các quốc gia này chưa có hiệp định nào khác với EU. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này các DN của tỉnh cần phải thay đổi phương thức làm ăn, tuân thủ các quy tắc về chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ, đó là hai quy chuẩn khắt khe của hàng rào phi thuế quan mà các DN buộc phải vượt qua mới có thể hưởng ưu đãi từ hiệp định.

Không khắt khe như dệt may, nhưng các sản phẩm thủy hải sản phải bảo đảm được các quy định về chất lượng sản phẩm để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định đem lại.  Trong ảnh: Chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.
Không khắt khe như dệt may, nhưng các sản phẩm thủy hải sản phải bảo đảm được các quy định về chất lượng sản phẩm để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định đem lại. Trong ảnh: Chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

KHÔNG CHỨNG MINH ĐƯỢC XUẤT XỨ KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết, Baseafood đã có bề dày kinh nghiệm chế biến xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu. Chất lượng sản phẩm thủy sản của Baseafood đã có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường xuất khẩu, nhất là EU. Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, một trong những điều kiện để hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng ưu đãi là chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang bị EU rút thẻ vàng cảnh cáo về nguồn gốc xuất xứ đánh bắt trên biển. Nếu Việt Nam không nỗ lực để EU gỡ thẻ vàng thì nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thủy sản Việt Nam bị xem là không tốt, không rõ ràng dẫn đến lợi thế xuất khẩu vào thị trường này cũng không còn, vì họ chỉ ưu tiên cho sản phẩm có xuất xứ rõ ràng. Chúng ta không chứng minh xuất xứ tốt cũng sẽ không được ưu tiên và vô tình không được hưởng lợi thế từ Hiệp định.

Nhiều lĩnh vực khác như dệt may cũng đặt nhiều kỳ vọng vào hiệp định mới này. Bởi thực tế sản phẩm dệt may của Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Anh, EU, Nga, Đức… Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, sản phẩm may mặc của công ty đã xuất khẩu ổn định sang một số thị trường như Anh, EU, Nga… Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp DN được hưởng ưu đại thuế quan, từ đó giảm chi phí đầu vào, nâng cao được sức cạnh tranh và có thể mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo các quy định của EVFTA, thị trường EU đánh giá cao những DN có truy xuất nguồn gốc từ thị trường này, vì vậy các DN phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ sản phẩm.

Không khắt khe như dệt may, nhưng các sản phẩm thủy hải sản phải bảo đảm được các quy định về chất lượng sản phẩm để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA đem lại. Trong ảnh: Chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Không khắt khe như dệt may, nhưng các sản phẩm thủy hải sản phải bảo đảm được các quy định về chất lượng sản phẩm để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA đem lại. Trong ảnh: Chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

TẬN DỤNG CHUỖI LIÊN KẾT NỘI KHỐI

Tại hội thảo về xuất khẩu của tỉnh vừa tổ chức cuối tháng 6, ông Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, xét ở góc độ cộng đồng DN, ngoài thuận lợi về thuế quan, bảo hộ, lao động, DN Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng phải chứng minh được hàng có xuất xứ Việt Nam thì hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi. 

Đối với thủy sản lợi thế lớn của Việt Nam và BR-VT, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa tương đối dễ vì thủy sản được đánh bắt tại Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản tác động trực tiếp đến sức khỏe, nên hàng rào phi thuế quan rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, vì vậy DN thủy sản cần phải tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của từng nước mới được hưởng ưu đãi thuế quan. 

Trong khi đó, đối với hàng dệt may, việc chứng minh hàng có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi rất khó khăn. Bởi hiện nay chủ yếu nguyên liệu dệt may (vải) của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Ví dụ một cái áo sơ mi muốn xuất sang EU yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam từ sợi, trong khi các DN Việt Nam hiện chủ yếu gia công cho nước ngoài, nhập vải từ Trung Quốc về nên khó đáp ứng tiêu chuẩn này. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Hưng, các DN dệt may Việt Nam có thể giải bài toán nguyên liệu này để chứng minh quy tắc xuất xứ bằng cách nhập vải từ 28 nước Liên minh châu Âu về sau đó may thành phẩm và xuất khẩu ngược trở lại EU sẽ được coi là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, bởi đó là chuỗi liên kết nội khối; hoặc DN có thể nhập vải từ Hàn Quốc sau đó may quần áo xuất đi EU cũng được coi là vải của Việt Nam và được hưởng thuế suất 0%, vì Hàn Quốc và EU cũng có hiệp định FTA. Những DN chuẩn bị tốt có tiềm lực có khả năng tận dụng lợi thế này.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.