BR-VT đang tiến tới quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng quy hoạch tỉnh BR-VT bằng giải pháp tích hợp, đồng bộ giữa các loại quy hoạch. Trong chuyên mục “Mỗi tuần một vấn đề”, phóng viên Báo BR-VT đã trao đổi với Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch kiến trúc xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: BR-VT đang tiến tới quy hoạch tỉnh BR-VT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ hội và thách thức trong thực hiện quy hoạch này là gì, thưa ông?
- Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Quy hoạch mới sẽ phải đương đầu với những thử thách không nhỏ nhưng đồng thời lại mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Cụ thể, khối lượng công việc nghiên cứu của tỉnh theo quy hoạch mới sẽ gia tăng rất lớn so với cách làm cũ. Khối lượng công việc này không còn nằm trong khả năng nghiên cứu của một cơ quan quy hoạch mà cần có sự tham gia trực tiếp của nhiều cơ quan và chuyên gia thuộc nhiều ngành khác như kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, môi trường… nhất là sự tham gia của các sở, ngành địa phương cùng đồng hành trong quá trình lập quy hoạch.
Tuy nhiên, cơ hội mà BR-VT đạt được từ quy hoạch mới cũng không nhỏ. Đó là vị thế của BR-VT trong mối kết nối với các tỉnh, thành trong vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh sẽ được nâng cao; giá trị bản sắc đô thị biển cũng sẽ phong phú hơn… Ngoài ra, quy hoạch mới cũng giúp BR-VT phát triển kiến trúc bền vững, bảo vệ tốt môi trường sống đô thị và thiên nhiên… Nếu tổ chức tốt quy hoạch giao thông và logistics sẽ giúp BR-VT nâng cao giá trị kinh tế biển; kết nối các khu đô thị với nhau, tạo nên động lực phát triển cho địa phương và cả khu vực miền Đông Nam Bộ.
* Như ông đã nói, quy hoạch mới cần phải gắn với việc nâng cao giá trị bản sắc đô thị biển. Vậy bản sắc đô thị biển ở đây được hiểu như thế nào trong quy hoạch tỉnh BR-VT giai đoạn mới?
- BR-VT có 305km chiều dài bờ biển nên thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản. Do đó, đô thị biển không nhất thiết luôn phải là đô thị du lịch nên BR-VT có thể tận dụng những lợi thế của mình hình thành một “tuyến đô thị ven biển đa năng”. Trong đó, nhóm đô thị ven biển mà BR-VT có thế mạnh để xây dựng và phát triển: du lịch - nghỉ dưỡng; khai thác hải sản; khai thác dầu khí và khoáng sản; giao thông vận tải biển quốc tế...
Khi nói đến bản sắc đô thị biển có xu hướng cho rằng tập trung mọi thứ ra biển, theo tôi là chưa đầy đủ. Đô thị biển có khu vực nằm sát biển, có khu vực vệ tinh bên trong. BR-VT hiện có 3 khu vực có hình thái kinh tế đặc trưng, thể hiện tiềm năng của địa phương đó là: khu vực là kinh tế đô thị cảng biển và logistics; khu kinh tế dịch vụ - thương mại - du lịch - đô thị du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị làm nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ cung cấp sản phẩm cho tỉnh và vùng đô thị. Như vậy, khi nói đến du lịch biển, một mặt phải tận dụng khai thác tài nguyên biển, mặt khác phải giúp cho các địa phương trong toàn tỉnh phát triển hài hòa trong mối liên kết chặt chẽ này. Quy hoạch tích hợp phải có cái nhìn tổng hợp để mọi khu vực có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình nhưng những gì liên quan đến kinh tế biển vẫn là “cái tâm” của vòng tròn phát triển. Thì đó là bản sắc đô thị biển mà quy hoạch chúng ta đang hướng tới.
* Du lịch và chế biến hải sản là 2 trong số những ngành kinh tế mũi nhọn của BR-VT, tuy nhiên, hiện nay các khu chế biến hải sản vẫn nằm xen lẫn với các điểm du lịch. Việc này cần được giải quyết như thế nào để bảo đảm sự phát triển hài hòa?
- Du lịch và chế biến hải sản đều là thế mạnh của địa phương. BR-VT cần phát triển được cả 2 ngành nghề này. Tuy nhiên, khi quy hoạch cần chọn vị trí phù hợp nhất để việc phát triển các chức năng này nhưng không gây tác động xấu lẫn nhau. Trong việc phát triển du lịch yếu tố quan trọng là môi trường phải bảo đảm giá trị môi trường xanh - sạch và an ninh. Trong phát triển chế biến hải sản điều quan trọng nhất là hệ thống kết nối cảng cá, giao thông, logistics…
Thực trạng hiện nay các cơ sở chế biến hải sản vẫn nằm xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của địa phương. Trong chiến lược phát triển của tỉnh, BR-VT đã quy hoạch các khu chế biến hải sản tập trung, theo tôi đó là tầm nhìn xa và có tính bền vững. Tuy nhiên, cũng cần xem chế biến hải sản là một trong những mắt xích của ngành du lịch BR-VT bởi từ đây mới có các sản phẩm hải sản để du khách thưởng thức hoặc mang về làm quà. Nếu quản lý tốt thì cũng cần những khu chế biến hải sản để khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống của ngư dân vùng biển. Đó là những sản phẩm du lịch đặc sắc mà chỉ có du lịch vùng biển như BR-VT mới có.
* Xin cảm ơn ông!
Người dân xem đồ án quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035. |
ĐÔNG HIẾU - QUANG VŨ (Thực hiện)