“Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng CSXH; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen…”, đó là chỉ đạo của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra ngày 15/7.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tìm hiểu, nắm bắt thông tin vay vốn của bà con tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cuối tháng 9/2019. |
PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐI ĐÔI THỰC HIỆN TIẾN BỘ, CÔNG BẰNG XÃ HỘI
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với loại hình tín dụng nhân văn này. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, các địa phương đã phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện tới các đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo sức lan tỏa, cộng đồng trách nhiệm rộng rãi trong xã hội.
Kể từ sau khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành vào tháng 11/2014, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đến nay, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng CSXH, chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Bà con xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH. |
ĐÒN BẨY KINH TẾ CHO NGƯỜI NGHÈO
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, tín dụng CSXH được thực hiện thông qua Ngân hàng CSXH đã phát huy được hiệu quả cao. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Cụ thể, đến 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH đạt 219.565 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; qua đó, góp phần giúp 2,1 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động.
Tại BR-VT, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn do Ngân hàng CSXH tỉnh quản lý 3.005 tỷ đồng, tăng 1.695 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho gần 192 nghìn lượt hộ vay với doanh số cho vay 4.763 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay chỉ chiếm 0,05% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn chủ yếu tập trung cho vay các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay HSSV nghèo có hoàn cảnh khó khăn, cho vay các hộ sản xuất kinh doanh tại các vùng khó khăn... Đây là các đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ về tín dụng chính sách, góp phần trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định an sinh xã hội, chống tái nghèo tại địa phương.
Theo ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh, trong thời gian qua, hoạt động tín dụng CSXH luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại tỉnh và các đơn vị phòng, ban cấp huyện, UBND cấp xã cùng với các tổ chức chính trị xã hội. Qua đó đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại tỉnh. Việc triển khai cho vay vốn tín dụng chính sách kịp thời đối với người dân ở cơ sở góp phần giảm bớt tình trạng vay nặng lãi, giảm tệ nạn xã hội tại địa phương.
Để tiết giảm thời gian, chi phí đi lại của người vay, thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay tín dụng chính sách, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý vốn tín dụng- chính sách, Ngân hàng CSXH tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn tối thiểu mỗi tháng 1 lần vào ngày cố định trong tháng (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật). Các điểm giao dịch xã công khai các văn bản về tín dụng chính sách của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của Ngân hàng CSXH và UBND tỉnh, danh sách các hộ vay…, để nhân dân và chính quyền địa phương biết, giám sát và thực hiện.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 82/82 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Nhờ mạng lưới điểm giao dịch xã và hoạt động của tổ giao dịch xã nên đã có trên 95% hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện thuận lợi ngay tại nơi họ cư trú.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, Ngân hàng CSXH trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư. Hiệu quả đem lại nhanh chóng phát huy tín dụng CSXH. Sự vào cuộc của MTTQ và đoàn thể các cấp góp phần tích cực chung sức trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Ông Trần Quốc Vượng cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới, đó là tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng CSXH; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen. Qua đó, tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước.
Bài, ảnh: PHAN HÀ