Ngày 22/7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020-triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị với Phiên toàn thể tổ chức theo hình thức Hội nghị trực tuyến đến 63 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy và 30 điểm cầu quốc tế tại 15 quốc gia và 4 hội thảo chuyên đề.
Nghị quyết số 55-NQ/TW khuyến khích các DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Trong ảnh: Nhân viên Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Vận tải - Điện máy 121 (TP. Bà Rịa) lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái cho khách hàng. |
Phía đầu cầu tỉnh BR-VT, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự Hội nghị.
NGÀNH KINH TẾ NĂNG ĐỘNG
Mở đầu Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam - triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp.
Trước những vấn đề ngành năng lượng đang gặp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu các nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành năng lượng Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ tập trung chỉ đạo về hoàn thiện thể chế. Thứ hai, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Thứ ba, lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Thứ tư, sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026-2030…
NHIỀU DỰ ÁN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TẠI BR-VT
Đối với BR-VT, thời gian qua tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn. Về dự án điện năng lượng mặt trời tính đến tháng 6/2020 toàn tỉnh có 5 dự án (gồm Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc; Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc 2,3,4 và Nhà máy điện mặt trời KCN Châu Đức) đã đưa vào phát điện thương mại với tổng công suất 294 MWp; 2 dự án đang triển khai đầu tư (gồm Nhà máy điện mặt trời hồ Tầm Bó với công suất 35 MWp và Nhà máy điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 công suất 35 MWp); 3 dự án có trong quy hoạch đang triển khai thủ tục đầu tư. Ngoài ra tỉnh cũng đang đề xuất bổ sung 4 dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh.
Về nguồn điện gió, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty CP phát triển công nghệ Tài Nguyên Xanh làm chủ đầu tư dự án điện gió Côn Sơn (huyện Côn Đảo) công suất 4MWp với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 247 tỷ đồng. Riêng dự án nguồn phát điện từ chất thải rắn, hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư theo quy hoạch với 3 dự án có tổng công suất là 15MW. Ngoài ra, tỉnh cũng có 5 dự án điện khí hóa lỏng LNG dự kiến tổng công suất lắp đặt khoảng 17.350 MW đã và đang trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Đến nay dự án trung tâm điện lực Long Sơn (công suất giai đoạn 1 là 1.200-1.500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Theo Sở Công thương, BR-VT có thế mạnh về nguồn nhiệt điện khí với tổng công suất lắp đặt lớn 4.254 MW, chiếm tỷ trọng 93,3%; hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch phát triển điện lực nên nhìn chung việc cung ứng điện được bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho việc phát triển công nghiệp, cảng biển, nông nghiệp và du lịch nói riêng, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số dự án điện khí LNG trên địa bàn tỉnh chưa được xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nên chưa có cơ sở để triển khai các thủ tục đầu tư, khó khăn trong việc dành quỹ đất và bố trí quỹ đất cho dự án.
Do đó, BR-VT kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục xem xét, thẩm định, phê duyệt bổ sung dự án khí LNG vào quy hoạch điện để có cơ sở triển khai thực hiện phương án phát triển lưới điện, bố trí quỹ đất, hành lang kỹ thuật trong quy hoạch tỉnh.
Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ