Công nghệ phát triển đòi hỏi các điểm đến du lịch phải “thông minh hơn” để đáp ứng nhu cầu của khách. Đây cũng được xem là giải pháp để phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của BR-VT.
Cần phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ khách du lịch. Trong ảnh: Khách du lịch vui chơi tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu). |
NHIỀU TIỆN ÍCH
Anh Trần Hữu Phúc (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) trước khi quyết định du lịch hè tại TP. Vũng Tàu vào cuối tuần trước, anh đã lên các trang thông tin tìm kiếm dịch vụ ăn, ở, vui chơi, giải trí, phương tiện đi lại… Sau đó, anh vào trang web www.booking.com đặt 1 phòng nghỉ tại khách sạn Malibu. Chỉ mất 10-15 phút tìm kiếm và những thao tác đơn giản trên mạng, anh Phúc đã có ngay một chuyến du lịch hè chất lượng, giá cả hợp lý cho gia đình tại TP. Vũng Tàu.
Câu chuyện của anh Phúc chỉ là một trong số rất nhiều những kết quả của du lịch thông minh. Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT) giúp ngành du lịch có cơ hội tối ưu hóa công tác xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến, thương mại điện tử; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn.
TP. Vũng Tàu, địa phương đầu tiên được tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh đã xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho ngành du lịch theo hướng thông minh. Cụ thể, những năm gần đây thành phố đã đưa vào sử dụng 27 nhà vệ sinh công cộng thông minh đặt tại một số tuyến đường phố, công viên công cộng. Các nhà vệ sinh công cộng thông minh được thiết kế theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN. Mỗi nhà vệ sinh như một cabin thu nhỏ, được bao bọc xung quanh bởi gương sáng bóng, các thiết bị sử dụng, đèn, nhạc đều cảm biến tự động.
Trước đó, từ giữa năm 2016, TP. Vũng Tàu đã xây dựng dịch vụ wifi miễn phí với 8 trạm phát sóng tại khu vực Bãi Trước, có khả năng đáp ứng hơn 1.000 người truy cập internet miễn phí mỗi ngày, giúp người dân và khách du lịch dễ dàng truy cập và sử dụng các dịch vụ tiện ích, giải trí du lịch hiện đại. Đây cũng được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch Vũng Tàu. Ngoài ra, thành phố cũng đã tiếp cận, liên kết với các tập đoàn viễn thông để tiến hành đưa vào sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung cho ngành du lịch để truyền tải và chia sẻ thông tin đến từng du khách như: Địa chỉ tham quan, khu nghĩ dưỡng, ẩm thực, vui chơi, giải trí, điểm đến ấn tượng…
Có thể nói, CNTT chính là nền tảng để hướng đến phát triển một ngành du lịch chất lượng cao. Đây cũng là định hướng quan trọng cho ngành du lịch mà Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Người dân tìm hiểu các thông tin về du lịch BR-VT trên mạng internet. |
HỖ TRỢ 3 BÊN
Để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 09, ngành du lịch tỉnh đã và đang đẩy mạnh vai trò của CNTT trong các chính sách phát triển du lịch. Cụ thể, Sở Du lịch tỉnh đã cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch BR-VT đến với du khách trong nước và quốc tế thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông và CNTT. Theo đó, 2 bên sẽ phối hợp xây dựng cổng thông tin du lịch, mô hình khu du lịch, điểm du lịch, các giải pháp công nghệ, dịch vụ viễn thông, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thu thập, điều tra thông tin và dịch vụ viễn thông, truyền thông SMS dựa trên vị trí… Từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch điện tử (E-Marketing), các ứng dụng phần mềm du lịch; Bản đồ số hóa, quảng cáo thông minh phục vụ cho du khách và người dân khi đi du lịch trên địa bàn tỉnh BR-VT.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong ngành du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng. Sở Du lịch cũng xác định các mục tiêu hướng đến của du lịch thông minh là nhằm hỗ trợ cả 3 bên: Du khách có được trải nghiệm tốt nhất; DN cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả; cơ quan quản lý phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch. Xây dựng du lịch thông minh cũng giúp thành phố đẩy mạnh khả năng truy cập và tương tác của du khách.
Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Việt Nam, 71% khách du lịch quốc tế tới Việt Nam những năm gần đây tham khảo qua các nguồn trực tuyến để lựa chọn điểm đến và có tới 64% khách du lịch quốc tế đặt chuyến du lịch đến Việt Nam qua kênh trực tuyến. Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ mà các DN nước ngoài như Agoda và Booking.com đã chiếm 80% thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Việt Nam. Các thành phố lớn trên thế giới có thể có nhiều cách thức vận hành du lịch khác nhau. Nhưng điểm chung là chính quyền đều cố gắng xây dựng mạng lưới thông minh có liên kết với nhau nhằm cải thiện ngành dịch vụ, du lịch tốt hơn. |
Tại hội thảo về các giải pháp xây dựng đô thị thông minh tỉnh BR-VT, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP tiến bộ quốc tế AIC (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, BR-VT là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, hiện đang quản lý 1.130 cơ sở lưu trú và 33 đơn vị du lịch lữ hành, 92 thẻ HDV du lịch nên mô hình “du lịch thông minh” cũng phải là yếu tố quan tâm hàng đầu để tiến tới xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống quản lý thông tin ngành du lịch với 16 hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Quản lý hướng dẫn viên, quản lý các sản phẩm du lịch, quản lý các điểm vui chơi giải trí, quản lý phản hồi từ khách du lịch… “Người dân và du khách được cung cấp thông tin quảng bá du lịch, các điểm vui chơi giải trí, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, lập kế hoạch du lịch. Còn đối với DN sẽ có cơ hội quảng bá, tiếp cận sản phẩm mà DN đang kinh doanh đến du khách thông qua kênh chính thống của tỉnh… Nhà quản lý có thể đưa ra những quyết định chính xác, nhanh chóng, tăng cường hiệu quả điều hành và đề xuất cơ chế chính sách phát triển…”, ông Kỳ nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ