Gần 1 tuần trở lại đây, một mặt bằng lãi suất mới được thiết lập. Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,2- 0,5 so với lãi suất hiện hành. Điều này giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại Bidv, phòng giao dịch Hòa Long (TP. Bà Rịa).
|
THIẾT LẬP MẶT BẰNG LÃI SUẤT MỚI
Ông Trịnh Tuấn Trường, Phó Giám đốc BIDV-chi nhánh Bà Rịa cho biết: Ngày 1/7 BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với cuối tháng 6. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5%-3,0%/năm so thời điểm truớc dịch COVID-19. “Với việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp người dân, DN tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Trường chia sẻ. Hiện tại, lãi suất cho vay của BIDV giao động từ 6-7,5% tuỳ từng kỳ hạn.
Trước đó, hệ thống BIDV công bố gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô lên đến 93.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này đã đạt trên 70.000 tỷ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2 điểm % so lãi suất trước thời điểm dịch.
Ngoài BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng nhập cuộc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường. Cụ thể, tại Agribank giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay từ ngày 30/6 nhằm hỗ trợ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên theo quyết định tại Thông tư 39/2016 của NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 4,8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay. Đây cũng là lần thứ 3 Agribank thực hiện giảm lãi suất.
Vào cuối tháng 5, Vietcombank công bố giảm đồng loạt lãi suất tiền vay. Cụ thể, ngân hàng này giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống. Thời gian áp dụng mức giảm lãi suất từ ngày 15/5 đến hết ngày 31/7.
Trong khi đó, Vietinbank triển khai “Gói ưu đãi lãi suất quý III/2020 với quy mô 60 ngàn tỷ đồng và 600 triệu USD”. Trong đó, mức lãi suất cho vay từ 4,3% năn đối với VNĐ và 2% đối với USD (giảm thêm 0,2%-0,5% so với gói ưu đãi lãi suất quý II). Còn tại HDBank, đầu tháng 5, tung thêm gói 10 nghìn tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và DN nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước. Ông Đỗ Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu cho biết: Đến nay, tổng dư nợ tại HDbank 5.663 tỷ đồng, tăng 430 tỷ đồng, tương đương 8,2% so với cuối năm 2019.
HỖ TRỢ DN TIẾP CẬN VỐN VAY
Theo các ngân hàng, hiện nay, nguồn vốn cho vay tại các ngân hàng rất dồi dào, chỉ chiếm 2/3 nguồn vốn huy động. Báo cáo của NHNN, Chi nhánh BR-VT cũng cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế đạt 139.650 tỷ đồng, trong khi đó, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế 92.900 tỷ đồng.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 2/7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, mục tiêu của NHNN là kiểm soát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế, điều hành tỷ giá ổn định, sẽ có điều chỉnh kịp thời khi có biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô. NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm với cho vay ngắn hạn; 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 và sớm trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.
Tính đến 22/6/2020, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 260.000 khách hàng với dư nợ gần 180.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Riêng tại BR-VT, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2020, các NH đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 209 khách hàng, với tổng dư nợ là 349 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ 1.270khách hàng với dư nợ 1.145 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng từ 1-2% cho 4.600 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 6.300 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng đang xem xét, giải quyết 1.534 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của khách hàng với tổng dư nợ đề nghị là 4.584 tỷ đồng.
Bài, ảnh: PHAN HÀ
;