Đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý
Khu Xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) là nơi xử lý các loại chất thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh. Nhưng đây lại là nơi thường xuyên nằm trong danh sách “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.
Phân loại chất thải tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Quý Tiến (KXL Tóc Tiên). |
Ông Phan Quang Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các khu xử lý chất thải cho biết, Khu Xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (Gọi tắt là KXL) được quy hoạch năm 2006, có diện tích 137,6ha, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Khu xử lý này gồm có các phân khu: Khu vực hành chính phụ trợ; khu chôn lấp chất thải công nghiệp; khu chế biến phân compost; khu chôn lấp chất thải tập trung đô thị; khu xử lý nước rác; khu phân loại và tái chế chất thải tập trung; khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại và khu vực chứa đất phủ.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, KXL có 16 dự án thứ cấp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, trong đó 13 dự án đã đi vào hoạt động. Các dự án trong KXL đều có tính chất phức tạp, nguồn thải đa dạng, có cả chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải hầm cầu, chất thải sinh hoạt, bùn nạo vét cống thoát nước…
Do quản lý chưa tốt nên nhiều DN trong Khu XLCTTT Tóc Tiên vẫn xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Trong ảnh: Người dân phản ánh tình trạng xả thải gây ô nhiễm ra môi trường của một số DN trong KXL. |
Trong quá trình hoạt động, một số nhà máy chưa có giải pháp BVMT triệt để. Dây chuyền, thiết bị, công nghệ của các nhà máy bị xuống cấp. Đặc biệt, hiện KXL này chưa có hệ thống hạ tầng hoàn thiện như chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng thừa nhận, việc quản lý hoạt động của KXL Tóc Tiên hiện nay đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Vì trên cơ sở pháp lý, KXL thuộc quản lý của Sở Xây dựng. Các DN đầu tư thứ cấp trong khu này lại được Bộ TN-MT cấp đánh giá ĐTM.
Để giải quyết những bất cập trong KXL Tóc Tiên, tỉnh đang đầu tư Khu Xử lý chất thải rắn tập trung sử dụng công nghệ đốt tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) nhằm giảm áp lực việc chôn lấp rác sinh hoạt cho Công ty TNHH Kbec Vina; tập trung xử lý dứt điểm các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tạm và chuyển dần sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các công nghệ tái chế (phân compost) và công nghệ đốt, kết hợp xử lý khí thải và phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, việc xử lý rác trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp khó khăn do một số dự án về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh triển khai chậm. Ngoài ra, việc chuyển sang công nghệ đốt có chi phí đầu tư rất lớn, chưa thu hút được các nhà đầu tư.
Trước mắt để quản lý hoạt động của KXL Tóc Tiên một cách hiệu quả, theo đề xuất của các cơ quan chức năng nên chuyển đổi hình thức quản lý từ riêng lẻ các DN trong khu xử lý sang mô hình quản lý tập trung như một KCN. Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện Sở đã dự thảo Tờ trình, dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý KXL Tóc Tiên theo mô hình KCN. Nghĩa là, khi chuyển đổi sang mô hình quản lý KCN thì KXL Tóc Tiên sẽ phải xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu về Trung tâm Điều hành quan trắc tự động tỉnh. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi, giám sát việc xả thải của các DN sản xuất, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại của tỉnh. “Hiện Sở cũng đã lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương dự kiến trong quý III/2020 tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành quy chế quản lý Khu XLCTTT Tóc Tiên”, ông Trung cho hay.
Bài, ảnh: QUANG VŨ