Ngày 16/7, chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải giải quyết cho được “3 cái đọng”: Thứ nhất là vốn đọng, thứ hai là không để nợ đọng và thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.
Tại đầu cầu tỉnh BR-VT, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Dự án đường QL56 tuyến tránh Bà Rịa là 1 trong những dự án đầu tư công của tỉnh. |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm đã giải ngân 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GNVĐTC, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Việc GNVĐTC chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: Công tác GPMB, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên... Bên cạnh đó, niên độ ngân sách Nhà nước là một năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, cho nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.
Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tiến độ GNVĐTC, đó là những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn, cho nên các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.
Tại BR-VT, theo kế hoạch năm 2020, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách là 7.284,9 tỷ đồng, bố trí cho 352 dự án đầu tư công. Tính đến ngày 15/6, đã giải ngân hơn 1.542 tỷ đồng, đạt 20,12% tổng kế hoạch vốn 2020, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2020 bố trí khởi công xây dựng mới 42 dự án. Đến hết tháng 6/2020 đã khởi công xây dựng 7 dự án, đang đấu thầu xây lắp 6 dự án, các dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục. Công tác GNVĐTC còn gặp nhiều khó khăn, do 6 tháng đầu năm 2020 các chủ đầu tư tập trung giải ngân số vốn kế hoạch 2019 kéo dài sang năm 2020; số dự án khởi công mới và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều, 6 tháng đầu năm đang lập thủ tục nên tỷ lệ giải ngân chưa cao. Vốn trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân do dự án đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải đang quyết toán.
Để đẩy nhanh tiến độ GNVĐTC, tỉnh BR-VT đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng các dự án thuộc danh mục khởi công xây dựng mới mới 2020 trong quý III năm 2020; kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án còn vướng mắc, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ triển khai nhanh và đã giải ngân hết kế hoạch vốn…
Công trình Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu đang trong quá trình thi công giai đoạn hoàn thiện. |
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ còn 25-26 tuần là hết năm, do đó, Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Quốc hội, Chính phủ đã mở ra một cơ chế cho các địa phương, các ngành thì “các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết. Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm.
Bài, ảnh: QUANG VŨ