HOÀN THÀNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2015-2020

Kỳ 3: Giảm nghèo - Hướng tới bền vững

Thứ Ba, 07/07/2020, 20:18 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời gian tới, chương trình giảm nghèo được ưu tiên trong chính sách an sinh xã hội cũng như trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các kế hoạch, đề án giảm nghèo tiếp tục được triển khai, xây dựng đồng bộ, giao nhiệm vụ kịp thời cho từng địa phương trong tỉnh.

Ông Thềm Văn Dễ (ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) thoát nghèo bền vững nhờ tham gia mô hình trồng khoai mài (củ hoài sơn) và được hỗ trợ trụ trồng khoai mài.
Ông Thềm Văn Dễ (ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) thoát nghèo bền vững nhờ tham gia mô hình trồng khoai mài (củ hoài sơn) và được hỗ trợ trụ trồng khoai mài.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh còn dưới 0,9%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia còn 0,1%. Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp sau: Bảo đảm cho người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như vay vốn kết hợp với hỗ trợ kiến thức sản xuất; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội cải thiện cuộc sống; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững...

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, chương trình giảm nghèo bền vững muốn thành công phải phát huy được quyền làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các đề án giảm nghèo, đến việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương, cơ sở. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực của người dân trên địa bàn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giúp các hộ nghèo có cơ hội làm ăn, con em hộ nghèo được học tập, được chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, sự chủ động tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân vào chương trình giảm nghèo cũng mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo. Các đề án giảm nghèo đạt kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi giảm nghèo nhanh, bền vững. Mặt khác, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là ở cơ sở, có tâm, nhiệt tình, thường xuyên sâu sát với hộ nghèo, rà soát, thẩm định từng hồ sơ vay vốn và hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kim Chi (thôn Phước Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) được hỗ trợ vốn vay giúp con trai Lê Bảo Tuấn (SN 1993) tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, có việc làm ổn định.
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kim Chi (thôn Phước Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) được hỗ trợ vốn vay giúp con trai Lê Bảo Tuấn (SN 1993) tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, có việc làm ổn định.

SỰ VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Ghi nhận từ thực tế ở các địa phương trong tỉnh cho thấy, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài tác động bằng chính sách thì yếu tố quyết định giảm nghèo chính là ý chí phấn đấu, vươn lên tự thoát nghèo của các hộ nghèo. Chia sẻ về thành công trong công tác giảm nghèo tại TP.Bà Rịa, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng LĐTBXH TP.Bà Rịa cho biết, Bà Rịa đã đề ra giải pháp, lộ trình hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Song song đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: hỗ trợ về y tế, giáo dục, vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo theo quy định. Mặt khác, thực hiện lồng ghép hiệu quả chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình 135, nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... tạo điều kiện cho hộ nghèo cải thiện thu nhập và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo.

Còn ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, với 10,65% hộ nghèo đầu giai đoạn, công tác giảm nghèo đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các cấp chính quyền và cơ quan chức năng huyện Long Điền. Bởi tiêu chí giảm nghèo giai đoạn này không đơn thuần là nâng thu nhập mà còn phải bảo đảm các điều kiện: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hưởng thụ văn hóa… Để giảm nghèo bền vững, huyện Long Điền chú trọng giúp hộ nghèo phát triển kinh tế theo phương châm “trao cần câu, thay vì trao con cá”. Nhiều hộ nghèo được tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm. Với những hộ vay vốn được hướng dẫn sử dụng đồng vốn thiết thực, hiệu quả… “Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 tại huyện Long Điền đang dần về đích. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,5%. Như vậy gần 90% hộ nghèo đầu giai đoạn đã thoát nghèo bền vững. Với nền tảng này, huyện Long Điền tiếp tục phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,23%, vượt 0,77% so với Nghị quyết đề ra”, ông Hồng thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc, để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,51% vào cuối năm 2020, huyện đang tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao, qua đó tập huấn cho người nghèo tiếp cận và hỗ trợ giải quyết việc làm. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, huyện Xuyên Mộc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Từ đó khơi dậy ý chí của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, trong vòng 3 năm thoát nghèo tiếp tục được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo mức tối đa 100 triệu đồng/hộ; đồng thời cấp thêm vốn đối với những hộ nghèo làm ăn có hiệu quả để tăng thu nhập. Đối với hộ nghèo còn sức lao động, giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường sẽ được nhân rộng, phát huy. Đặc biệt, cần gắn đào tạo nghề với tạo việc làm; dạy nghề có địa chỉ, liên kết với DN, cơ sở sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm cho người nghèo, tổ chức đào tạo ngắn hạn miễn phí cho người lao động thuộc hộ nghèo những nghề phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương…

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.