Chắt chiu cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư công
“Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Toàn ngành cần phải chắt chiu cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư công. Vừa khắc phục khó khăn, vừa phải chủ động hơn nữa để quyết định tương lai của đất nước, của từng địa phương…”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Giao ban ngành KH-ĐT năm 2020 diễn ra sáng 28/7.
Dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh Bà Rịa một trong những dự án đầu tư công của tỉnh đã đưa vào sử dụng. |
GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẠT THẤP
Trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2020, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT) cho biết, đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ KH-ĐT đã chủ động theo dõi, phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế cả nước tiếp tục được duy trì mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định. Tính đến hết tháng 6/2020, vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết ước đạt trên 545 triệu USD, lũy kế giải ngân ước đạt trên 919 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 15,6 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ; giải ngân ước đạt trên 8,6 tỷ USD, bằng 95,1% so với cùng kỳ 2019; giải ngân vốn đạt 8,65 tỷ USD bằng 95,1% so với cùng kỳ.
Sản xuất các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH O.N Vina một trong những dự án FDI tại KCN Đất Đỏ. |
Để góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển DN, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Việc giải ngân vốn đầu tư mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang…
Lĩnh vực quản lý đấu thầu và đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Ngoài ra, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, Bộ KH-ĐT đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật trình Quốc hội xem xét thông qua. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 156 ngàn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ nhưng chỉ đạt 33,1% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn chậm, ước đạt 10,2% kế hoạch đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,81%...
Riêng BR-VT, thời gian qua, toàn tỉnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Theo kế hoạch năm 2020, tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 7.484 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới giải ngân được hơn 1.542 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 20%. So với cùng kỳ năm 2019, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tương đương về số tiền (cùng kỳ năm 2019 giải ngân hơn 1.559 tỷ đồng), nhưng thấp hơn về tỷ lệ (năm 2019 tỷ lệ giải ngân đạt 29,54%). Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn so cùng kỳ.
THỰC HIỆN 8 NHÓM GIẢI PHÁP
Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) khẳng định, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư công năm 2021 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phục hồi nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Do đó, ông Đông đề nghị các địa phương trong các tháng cuối năm chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giao bổ sung kế hoạch 2016-2020 và kế hoạch 2020, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách tăng cường giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp: Tập trung đổi mới thể chế; rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác quy hoạch, lập kế hoạch; quyết tâm giải ngân đầu tư công ở mức cao nhất; đẩy nhanh phê duyệt các dự án đầu tư; rà soát các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường đấu thầu qua mạng.
Nhận định năm 2021 là năm thế giới nghiên cứu thành công vắc xin và thuốc điều trị COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khả năng phục hồi kinh tế của thế giới cũng như trong nước sẽ tỷ lệ thuận với tình hình dịch bệnh. Để chớp thời cơ, phục hồi nền kinh tế, ngay từ bây giờ, toàn ngành cần xây dựng kế hoạch nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2021-2025. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với từng cơ quan, đơn vị là hết sức cấp bách. “Chúng ta phải triển khai nhiệm vụ với tinh thần cao hơn, làm được một thì phải cố gắng hai. Ngành cần phải chắt chiu cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư công. Vừa khắc phục khó khăn, vừa phải chủ động hơn nữa để quyết định tương lai của đất nước, của từng địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngành KH-ĐT cũng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành địa phương đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế và đời sống người dân quay trở lại bình thường. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ chính trị để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, DN chịu ảnh hưởng của COVID-19. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đón đầu thời cơ, thu hút đầu tư từ bên ngoài để phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN