UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển 48.618m. Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển trước thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu) biển đang ngày càng lấn sâu vào đất liền. |
40 KHU VỰC CẦN LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ
Theo Sở TN-MT, BR-VT có diện tích tự nhiên là 1.980,98km², trong đó vùng ven biển và hải đảo có diện tích 1.571,3km², chiếm 79% diện tích toàn tỉnh. BR-VT hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển… Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của BĐKH, sóng lớn, triều cường, bão lũ... khiến nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở gây thiệt hại lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như đời sống của dân cư ven biển.
Tháng 6, chúng tôi trở lại khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu). Cách đây vài năm, Trại Nhái còn khá đông dân cư sinh sống thì hiện nay chỉ còn gần 20 hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm để dễ “tháo chạy” khi bị biển xâm thực. Họ sống nhờ vào biển, nhưng nguồn sống ấy đang bị đe dọa. Gia đình ông Trần Văn Cừ làm nghề biển tại khu Trại Nhái từ năm 1996. Theo ông Cừ, lúc đó biển cách bờ hơn 1km, người mua cá phải chạy xe trên bãi cát để ra tận nơi đón ghe tàu. Còn bây giờ nhìn ra nơi ấy chỉ thấy sóng nước mênh mông. “Trước kia, những cồn cát cao với những hàng dương cổ thụ là nơi che chắn những cơn sóng. Nhưng giờ đây bờ biển chỉ còn cách nhà tôi hơn chục mét”, ông Cừ nói.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nhằm phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên biển, Sở TN-MT đã trình UBND tỉnh phê duyệt chi tiết các nội dung thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển” để quản lý và khai thác bền vững nguồn tài nguyên này. Cụ thể, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển 48.618m. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 36.744m, bao gồm: 5 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 8.492m thuộc địa bàn TP. Vũng Tàu, 6 khu vực với tổng chiều dài 6.521m thuộc địa bàn huyện Long Điền, 6 khu vực với tổng chiều dài 4.579m thuộc địa bàn huyện Đất Đỏ và 10 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 17.151m thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc. Huyện Côn Đảo có 13 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 11.874m phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bao gồm: 5 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 2.476m thuộc khu vực Hòn Côn Sơn, 2 khu vực với tổng chiều dài 881m thuộc Hòn Cau, 3 khu vực với tổng chiều dài 5.552m thuộc Hòn Bảy Cạnh, 1 khu vực với tổng chiều dài 453m thuộc Hòn Tài, 1 khu vực với tổng chiều dài 1.887m thuộc Hòn Bà và 1 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 624m thuộc khu vực Hòn Tre Lớn.
BẢO VỆ VÙNG CỬA SÔNG, CỬA BIỂN
Theo ông Lê Ngọc Linh, hành lang bảo vệ bờ biển ở tỉnh BR-VT là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Chẳng hạn, đối với huyện Long Điền đoạn bờ biển thuộc thị trấn Long Hải là khu vực có rừng phòng hộ, nơi có hệ sinh thái cây trên cạn, có các danh lam thắng cảnh, cảnh quan tự nhiên di tích văn hóa, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sạt lở bờ biển và bảo đảm quyền tiếp cận người dân với biển.
Tại TP. Vũng Tàu, khu vực từ phường 11, 12 đến cầu Cửa Lấp có nhiều đoạn bị xói lở rất mạnh, có rừng phi lao, rừng ngập mặn và nhu cầu tiếp cận của người dân với biển cao nên cần phải lập hành lang bảo vệ bờ biển; khu vực vùng bờ thuộc các xã Bông Trang và Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) là dải rừng phòng hộ với chiều dài hàng chục km là “lá phổi xanh” cho huyện Xuyên Mộc, góp phần rất lớn vào việc chống xói lở bờ biển nên cần phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với chế độ bảo vệ đặc biệt.
Còn đối với khu vực ven biển xung quanh các đảo thuộc huyện Côn Đảo có diện tích gần 20.000ha, là VQG Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là 1 trong 2.203 khu đất ngập nước (khu Ramsar) quan trọng của quốc tế. VQG Côn Đảo là khu Ramsar thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Nhiều khu vực có bãi cát, là nơi làm tổ đẻ trứng của rùa biển cần phải thiết lập để bảo vệ và hệ sinh thái rạn san hô dưới biển duy trì hệ sinh thái VQG Côn Đảo.
Theo Chi cục Biển và Hải đảo việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã được Sở TN-MT triển khai từ năm 2018. Đến nay, Sở TN-MT đã hoàn thành bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000; bản đồ hiện trạng tài nguyên vùng bờ tỷ lệ 1:10.000; bản đồ các khu vực dự kiến thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh… các báo cáo chuyên đề của các hạng mục dự án. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, sở sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thành việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển và tiến hành cắm mốc ngoài thực địa.
Có 6 hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển gồm: Khai thác khoáng sản (trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận); Xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng (trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH…); Xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải; Khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển; Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển; Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ