Sau thời gian thí điểm, từ tháng 5/2020, ngành điện đã tiến thêm một bước trong lộ trình không thu tiền điện tại nhà khách hàng, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình thức thu tiền tại nhà vào cuối năm 2020.
Nhân viên Điện lực Xuyên Mộc hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm chăm sóc khách hàng. |
ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI
Vừa thanh toán tiền điện tháng 5/2020 qua phần mềm chăm sóc khách hàng trên điện thoại di động, anh Đặng Trung Hiếu (126, Hoàng Hoa Thám, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Hàng tháng, sau khi có tin nhắn báo cước từ ngành điện, tôi chỉ cần mở app (ứng dụng) trên điện thoại, thao tác theo hướng dẫn là có thể thanh toán được tiền điện. Tôi thấy rất thuận tiện vì công việc của vợ chồng khá bận rộn, nên không phải lúc nào cũng có mặt ở nhà để xử lý hóa đơn tiền điện như trước”.
Còn gia đình anh Đỗ Văn Sỹ, chung cư Bình An, TP. Vũng Tàu cho biết, trước đây gia đình anh thường đóng tiền điện trực tiếp cho nhân viên tại nhà. Việc thu tiền điện tại nhà theo anh Sỹ khá bất tiện. Có tháng, nhân viên đến thu tiền điện mấy lần, nhưng không gặp được người nhà, dẫn đến chậm đóng, bị nhắc nhở. Qua tìm hiểu các phương thức thanh toán điện tử, từ tháng 4 vừa qua anh đã đăng ký trả tiền điện qua ngân hàng. “Từ khi đăng ký thanh toán qua ngân hàng tôi không phải lo quên đóng tiền điện. Vì cứ đến tháng, sau khi có chỉ số điện, ngân hàng sẽ trừ trực tiếp trên tài khoản, đồng thời ngành điện cũng thông báo số tiền khách hàng đã thanh toán qua app chăm sóc khách hàng của điện lực trên điện thoại di động”, anh Sỹ nói.
Theo Công ty Điện lực BR-VT, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm không thu tiền tại nhà khách hàng, đến nay đã có hơn 90 ngàn khách hàng trên địa bàn tỉnh đã đăng ký thanh toán tiền điện qua các kênh của ngân hàng, điểm thu hộ tiền điện, app chăm sóc khách hàng trên điện thoại thông minh, đạt hơn 51,3%. Trong đó có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao như: TP. Vũng Tàu đạt 103,5%; huyện Côn Đảo đạt 127,5%, TP. Bà Rịa đạt 79,1%...
THÀNH BẠI PHỤ THUỘC VÀO KÊNH THANH TOÁN
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng dễ dàng triển khai thực hiện thu tiền điện theo hình thức này. Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai dừng thu tiền điện tại nhà khách hàng khó thực hiện. Đó là người dân vẫn duy trì thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Mặt khác, trình độ và khả năng sử dụng các ứng dụng CNTT trong thanh toán điện tử cũng như các giao dịch thanh toán online của người dân còn hạn chế dù hệ thống ngân hàng và hạ tầng CNTT viễn thông đã đáp ứng được các yêu cầu này.
Một nguyên nhân nữa là hiện số điểm thu hộ tiền điện trên toàn tỉnh tuy nhiều (1.200 điểm) nhưng chủ yếu tập trung tại các khu vực trung tâm của các huyện, thị, thành phố còn ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó triển khai. Trong khi đó, một số điện lực vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt do đó công tác chỉ đạo triển khai chưa thật sự quyết liệt, còn bị động.
Mặc dù sau thời gian thí điểm cho thấy, tỷ lệ không thu tiền điện tại nhà khách hàng đạt hơn 51%, tuy nhiên thực hiện Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; văn bản của Sở Công thương về việc chấp thuận chủ trương chấm dứt hình thức thu tiền điện tại nhà khách hàng, Công ty Điện lực BR-VT chính thức áp dụng lộ trình xóa thu tiền điện tại nhà từ nay đến hết năm 2020.
Đến nay, theo lộ trình này, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu đã triển khai thực hiện 100% không thu tiền điện tại nhà và đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Đối với các địa phương khác trong tỉnh, ngành điện tiếp tục phối hợp với khu phố, xã, phường để tuyên truyền đến người dân về việc ngưng thu tiền điện tại nhà. Đồng thời, gửi thông báo về việc ngưng thu tiền điện tại nhà đến nhà khách hàng (theo từng khu vực triển khai theo lộ trình) trước 1-2 tháng, đồng thời hướng dẫn khách hàng các kênh thanh toán tiền điện như: cài đặt các APP chăm sóc khách hàng EVNSPC để nhắn tin tự động về chỉ số, tiền điện các thông tin khác; hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức trung gian như: EC PAY, VN mart, MOMO, VPNT pay, Viettel pay, ZAlo pay, VNPAY, AiRPAY, bưu cục… để triển khai thu hộ tiền điện. Đối với vùng nông thôn ngoài việc vận động khách hàng thanh toán qua ngân hàng, điện lực các địa phương mở thêm các điểm thu hộ để hỗ trợ người dân đóng tiền điện.
“Lực lượng nhân viên thu tiền điện trước đây phần lớn là đại lý thu tiền điện hợp đồng dịch vụ nên khi triển khai thực hiện ngưng thu tiền điện tại nhà khách hàng sẽ bị giảm thu nhập, chỉ còn bộ phận nhân viên thu nhập ghi điện tại những vùng chưa gắn công tơ điện tử đo ghi từ xa. Một số ít còn lại nhân viên ngành điện đã có kế hoạch đào tạo để thực hiện các công việc phù hợp không để người lao động nghỉ việc”, ông Trần Thanh Hải nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU