Loại bỏ điểm đen về môi trường

Thứ Ba, 16/06/2020, 21:33 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 16/6, Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo “Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp xóa, giảm các điểm đen môi trường và xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường một cách hiệu quả trên địa bàn tỉnh”.  Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT đồng chủ trì Hội thảo.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia về môi trường, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đặc biệt là xác định phương hướng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu có tính khả thi cao đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường để tập trung thực hiện trong những năm tới. Hội thảo cũng nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các đơn vị phường, xã ra quân dọn dẹp rác thải khu vực “điểm đen” cầu Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu) hưởng ứng tháng hành động vì môi trường (tháng 6). Ảnh: QUANG VŨ
Các đơn vị phường, xã ra quân dọn dẹp rác thải khu vực “điểm đen” cầu Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu) hưởng ứng tháng hành động vì môi trường (tháng 6). Ảnh: QUANG VŨ

CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VẪN CÒN TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng đến các biện pháp như bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray...); kiểm soát chặt chẽ nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển như: Một số điểm đen môi trường tồn tại trong thời gian dài chưa được giải quyết; chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường; các cấp chính quyền, nhất là cấp xã chưa thực sự nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường dẫn đến vẫn còn tình trạng các cơ sở xây dựng trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý kịp thời; nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường một số cơ sở sản xuất còn hạn chế, nặng về lợi nhuận, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, qua 3 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý các điểm nóng về môi trường, đến nay, một số điểm nóng cơ bản đã được cải thiện, kiểm soát chặt chẽ và có chuyển biến tích cực như: Khu xử lý chất thải Thiên Phước tại tỉnh Đồng Nai; Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào các sông, suối chảy vào các hồ cấp nước sinh hoạt; Bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray); Hoạt động chế biến tinh bột mỳ, cao su; Khắc phục ô nhiễm Khu vực Cống số 6, xã Tân Hải, không để ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản tại sông Chà Và,…

Trong năm 2019, tỉnh đã cơ bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với 28/28 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt tỷ lệ 100%.

ĐỀ RA CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tại Hội thảo, đại diện các địa phương, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn đã trình bày các tham luận về một số nội dung như: Giải pháp phát triển chính sách nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải rắn ứng dụng công nghệ đốt, tái chế, thu hồi năng lượng trên địa bàn tỉnh; giải pháp kết hợp các công cụ quản lý và kỹ thuật trong kiểm soát nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ môi trường các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; phát triển các công cụ quản lý và kỹ thuật nhằm kiểm soát được theo quy định hoạt động phát thải khí thải của các nguồn thải có lưu lượng lớn và đặc tính tiềm ẩn nguy cơ cao, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Theo lãnh đạo UBND TX. Phú Mỹ, tính đến tháng 10/2019, trên địa bàn thị xã có 32 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, thuộc các nhóm: Các cơ sở sản xuất và chăn nuôi hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư hoặc khu vực không phù hợp quy hoạch; Tình hình thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã và hoạt động chăn nuôi gia súc có quy mô nhỏ, nằm ở thượng nguồn hồ cấp nước. Để xử lý các điểm đen này, thị xã đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất và hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư hoặc khu vực không phù hợp quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm. Giảm thiểu và xử lý các điểm đen về môi trường trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt. Chọn những điểm tập kết phù hợp, tăng công suất vận chuyển, không để rác tồn đọng.  Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát không để hình thành các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại tại khu vực không phù hợp quy hoạch, đặc biệt, trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Kiên quyết xử lý các trường hợp phát sinh các cơ sở chăn nuôi gần các sông, suối đầu nguồn các hồ cấp nước.

Tại hội thảo, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường phía Nam đề nghị, BR-VT cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết các nguy cơ, thách thức trong bảo vệ môi trường. Cụ thể, khi quy hoạch các khu xử lý chất thải và các KCN có ngành nghề nguy cơ cao gây ô nhiễm cần chú ý đến khoảng cách “an toàn” với khu dân cư, nguồn nước...; thiết lập, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường nền tại các khu vực môi trường ưu tiên, nhạy cảm; tăng giám sát các dự án kể cả trong quá trình vận hành thử nghiệm hay hoạt động chính thức; cần ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải các nguồn, điểm, tuyến, diện thuộc đối tượng quan tâm đặc biệt…

Còn theo PGS. TS Phạm Hồng Nhật, Viện Nhiệt đới Môi trường, việc bảo đảm chất lượng nguồn nước tại các hồ chứa là cực kỳ quan trọng. Do đó, tỉnh cần chú trọng thực hiện các biện pháp: Di dời các nguồn thải nguy cơ cao ra khỏi lưu vực; không thu hút, hạn chế một số ngành nguy cơ cao ở gần các hồ chứa nước; tuyên truyền với cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt, DN sản xuất ở vùng có nguy cơ cao về an toàn nguồn nước; quy hoạch trồng và phục hồi rừng đầu nguồn tại một số địa phương như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc; tiếp tục đầu tư các thiết bị quan trắc tự động tại các hồ và các nguồn thải có nguy cơ cao; thực hiện các biện pháp để tăng tỷ lệ thu gom chất thải rắn, ưu tiên các công nghệ xử lý rác tiên tiến để tránh chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm; đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đầu ra đạt chuẩn…

BÍ THƯ TỈNH ỦY NGUYỄN HỒNG LĨNH
Triển khai thực hiện hiệu quả 5 mục tiêu về môi trường
Trong những năm tới, BR-VT sẽ tập trung thực hiện 5 mục tiêu về môi trường. Thứ nhất, là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn nguồn nước cho phát triển kinh tế và dân sinh. Thứ hai, là kiểm soát nghiêm ngặt phát thải. Các DN trên địa bàn tỉnh sẽ được giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm các quy định về phát thải sẽ bị xử lý nghiêm khắc, kể cả việc buộc đóng cửa ngay. Thứ ba, là xử lý những điểm đen về môi trường gắn với chỉnh trang đô thị. Vừa qua, tỉnh đã phát hiện nhiều điểm đen về môi trường và xử lý được 28 điểm (theo thống kê của Bộ TN-MT). Nhiệm kỳ tới, BR-VT sẽ tiếp tục khảo sát để phát hiện và xử lý các điểm đen về môi trường. Thứ tư, chuyển đổi và nâng cao ý thức người dân về xử lý chất thải rắn. Nhiệm kỳ tới, BR-VT đặt ra mục tiêu là phải phân loại rác tại nguồn. Từng hộ dân, gia đình, cơ sở y tế, trường học, cơ sở kinh doanh phải phân loại rác thải để có thể xử lý triệt để, hiệu quả hơn. Thứ năm, là bảo vệ môi trường nghiêm ngặt tại Côn Đảo, xử lý tốt các vấn đề rác thải đại dương, rác sinh hoạt; tổ chức không gian phát triển để Côn Đảo trở thành hòn đảo xanh, có giá trị về môi trường, sinh thái.

Bài, ảnh: PHAN HÀ, QUANG VINH

;
.