GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Tạo đột phá để huy động nguồn lực cho phát triển

Thứ Ba, 23/06/2020, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

Nguồn lực tài chính dành cho đầu tư phát triển không chỉ thuần túy dựa vào ngân sách Nhà nước mà phải huy động hiệu quả từ các nguồn lực khác. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt “vốn mồi” của đầu tư công để thu hút tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là các giải pháp được đề xuất tại hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn xã hội cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh BR-VT”, do UBND tỉnh tổ chức sáng 23/6.

Toàn cảnh sự phát triển ở khu vực Bãi Sau TP. Vũng Tàu.
Toàn cảnh sự phát triển ở khu vực Bãi Sau TP. Vũng Tàu.

NHIỀU NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

Thông tin tại hội thảo, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2020, nguồn lực tài chính dành cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh không chỉ thuần túy dựa vào ngân sách Nhà nước mà ngày càng được phát triển bằng nhiều nguồn lực khác ngoài ngân sách. Chẳng hạn như nguồn vốn vay, vốn ODA, vốn trái phiếu, đối tác công tư, vốn xã hội hóa…. 

Do đó, tỉnh đã chủ động đề ra giải pháp huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh. Cụ thể, năm 2016, UBND tỉnh tổ chức đấu thầu thành công trái phiếu chính quyền địa phương với khối lượng trúng thầu là 500 tỷ đồng đầu tư 3 dự án: Đường Phước Hòa - Cái Mép, kênh nội đồng hồ chứa nước Sông Ray và xây dựng mới Bệnh viện TP. Vũng Tàu.  Năm 2017, tỉnh đã phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư. Đến năm 2019, tỉnh đã ban hành chính sách huy động sự đóng góp của DN  được hưởng lợi từ các dự án do Nhà nước đầu tư. Theo đó, DN chia sẻ trách nhiệm đầu tư với nhà nước là 11 dự án với 5.955 tỷ đồng. Trong đó, DN đóng góp 444 tỷ đồng; DN hưởng lợi ứng trước tiền cho ngân sách đầu tư không tính lãi suất 3 dự án 416 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã huy động được 73 tỷ đồng để bổ sung tăng chi đầu tư phát triển của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu về các đề xuất tiếp cận các nguồn vốn khác như: Nguồn vốn vay từ dự án phát triển đô thị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiểu dự án Vũng Tàu vay vốn từ Ngân hàng thế giới (WB); nguồn vốn vay từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) do công ty Đông Dương đề xuất...

Tàu du lịch 5 sao Costa Venezia, cập cảng Dịch vụ dầu khí Tổng hợp Phú Mỹ (PTSC Phú Mỹ, KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ).
Tàu du lịch 5 sao Costa Venezia, cập cảng Dịch vụ dầu khí Tổng hợp Phú Mỹ (PTSC Phú Mỹ, KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ).

PHÁT HUY HIỆU QUẢ “VỐN MỒI”

Đề ra giải pháp tối ưu trong việc huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng phục vụ cho mục tiêu xây dựng tỉnh BR-VT thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển và du lịch trong giai đoạn 2021-2025, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, BR-VT cần đặt sự phát triển theo quan điểm kinh tế vùng, nhất là “tứ giác phát triển” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, để thực sự trở thành điểm đến cho nhà đầu tư và hấp thụ tốt nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, BR-VT cần phải sử dụng đầu tư công như một loại “vốn mồi” thu hút đầu tư tư nhân và tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội phải ngày càng giảm. Bên cạnh đó, BR-VT cũng cần xây dựng định chế tài chính đủ mạnh để làm “đối tác” trong thu hút vốn đầu tư tư nhân, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, phải xây dựng được nền công vụ phục vụ, khả dĩ, tạo được niềm tin cho DN và người dân về lợi ích phát triển, sự công tâm của bộ máy chính quyền. Ngoài ra, trong từng lĩnh vực phải mời gọi cho được những DN mà sự đầu tư của họ sẽ hình thành những chuỗi sản xuất, lưu thông, thu hút những DNNVV tham gia, tạo sức lan tỏa lớn về kinh tế - xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước  cho đầu tư phát triển, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương (BDIF) cho rằng, các Quỹ cần xây dựng chiến lược phát triển trung và dài hạn. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn trong tương lai để kịp thời chuẩn bị các điều kiện nhằm tiếp cận sớm các kênh huy động vốn; thực hiện ngay các thủ tục huy động cần thiết sau khi đàm phán, ký kết hợp đồng huy động vốn để có nguồn vốn sử dụng kịp thời. Đồng thời, cần chủ động chuẩn bị các danh mục dự án phù hợp với các tiêu chí của tổ chức cho vay để đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ. Ngoài ra, các Quỹ cần nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy để chủ động xây dựng, tính toán các phương án tài chính khi huy động vốn và khi hoàn trả để bảo đảm hiệu quả huy động vốn. Đặc biệt, cần nâng cao kỹ năng đàm phán, thương lượng với các nhà tài trợ, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, giảm thiểu rủi ro trong quá trình huy động, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và các tổ chức tài trợ quốc tế trong lĩnh vực huy động vốn…

Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là 296.466 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn dự kiến huy động ngoài ngân sách là 239.194 tỷ đồng, chiếm 80,6% so với tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Ở góc độ địa phương, đại diện Sở TN-MT cũng đưa ra các giải pháp huy động nguồn lực từ quỹ đất công cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện Sở này cho rằng, cần tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp trong việc quản lý quỹ đất công trên mỗi địa bàn; xử lý dứt điểm tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua “đấu giá” quyền sử dụng đất. Đối với việc sử dụng đất của Công ty Nhà nước sau cổ phần hóa nhưng không sử dụng và sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại trái quy định thì phải thu hồi để tổ chức đấu giá. Đối với đất thuê trả tiền hàng năm, cần điều chỉnh giá thuê đất theo đúng mục đích sử dụng, phù hợp với giá trị thị trường…

PHAN HÀ

 
;
.