"Giải cứu" xe buýt

Thứ Sáu, 05/06/2020, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh hình thành từ năm 2007. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, nhiều xe buýt đã xuống cấp, không đáp ứng chất lượng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Trước thực trạng này, tỉnh đang triển khai “Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt”, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của loại phương tiện này.

Hầu hết các xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã xuống cấp. Trong ảnh: Xe buýt tuyến Vũng Tàu- Bình Châu (số 4).
Hầu hết các xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã xuống cấp. Trong ảnh: Xe buýt tuyến Vũng Tàu- Bình Châu (số 4).

XE XUỐNG CẤP, CHẤT LƯỢNG KÉM

Bà Hoàng Hương Giang (21/15, Nguyễn Tri Phương, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi thường về Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) thăm người thân bằng xe buýt tuyến số 4. Chặng đường dài khoảng 75km nhưng thời gian đi mất từ 3-4 giờ đồng hồ. Chưa kể, do sử dụng lâu nên hầu hết các xe đều cũ, ghế ngồi bong tróc, xe không có máy lạnh lại chất nhiều hàng hóa khiến du khách cảm thấy ngột ngạt”.  

Xe buýt là phương tiện vận tải công cộng hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của hành khách, tuy nhiên phương tiện này đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt là các xe buýt tuyến 22 Vũng Tàu - Phú Túc, tuyến số 6 Vũng Tàu - TX.Phú Mỹ, nhiều xe hư hỏng, nội thất nhếch nhác, khi chạy thì xả khói mù mịt, dằn xóc, gây tiếng ồn khó chịu.

Do chất lượng xe kém nên ngày càng ít người đi, doanh thu giảm. Ông Vũ Thanh Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ Vận tải TP.Bà Rịa cho biết, HTX hiện đang khai thác 3 tuyến xe buýt với số lượng 25 xe, tần suất 30 phút/chuyến. Tuy nhiên, do lượng khách vắng, bình quân các chuyến chỉ có từ 5-6 khách/chuyến, công suất đạt 20%. Theo ông Hùng, bên cạnh đó, việc ngừng chạy thử nghiệm tuyến xe buýt 611 vào tháng 2/2020 đã khiến doanh thu của DN giảm mạnh. HTX Dịch vụ Vận tải TP.Bà Rịa kiến nghị ngành giao thông 2 tỉnh BR-VT và Đồng Nai nên tiếp tục cho DN đấu nối lại tuyến xe buýt 611. “Thời gian qua, HTX Dịch vụ Vận tải TP.Bà Rịa “sống được” là nhờ tuyến xe 611 vì lượng khách đông, ổn định. Nếu tuyến 611 không mở lại, HTX sẽ không dám vay vốn để đầu tư xe mới”, ông Hùng cho biết thêm.

Báo cáo từ Sở GT-VT cho biết, toàn tỉnh  hiện có 8 tuyến xe buýt hoạt động với tổng chiều dài 661km, trong đó có 1 tuyến nội tỉnh và 7 tuyến liên tỉnh, do 8 đơn vị vận tải khai thác, với 154 đầu xe. Nhìn chung, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh chưa đạt chất lượng, hầu hết các phương tiện đã có niên hạn sử dụng trên 10 năm, khó thu hút người dân sử dụng xe buýt. Ngoài ra, VTHKCC bằng xe buýt chưa phủ khắp địa bàn tỉnh, thiếu các tuyến kết nối giữa các huyện hoặc vùng - điểm thu hút hành khách như các khu đô thị, KCN, trung tâm thương mại và đầu mối giao thông nên chưa phát huy được vai trò của loại hình phương tiện này.

Hành khách đi trên tuyến xe buýt Vũng Tàu-Phú Mỹ
Hành khách đi trên tuyến xe buýt Vũng Tàu-Phú Mỹ

HỖ TRỢ DN VAY VỐN ĐẦU TƯ XE MỚI

Trong cuộc họp tại UBND tỉnh ngày 3/6 bàn về Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho rằng: Ngoài các nguyên nhân nói trên thì  tình trạng hoạt động VTHKCC chưa khai thác hết tiềm năng là do thiếu mô hình tổ chức quản lý và điều hành hoạt động VTHKCC. Theo đó, Sở GT-VT đề xuất thành lập mô hình tổ chức quản lý và điều hành hoạt động VTHKCC; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quan tâm đến cơ chế dựa vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn đầu tư phương tiện; trợ giá, hoặc hỗ trợ chi phí cho DN vận tải; miễn, giảm giá vé cho người sử dụng dịch vụ xe buýt; đề xuất miễn giảm phí qua trạm cầu đường bộ và bến bãi dành cho xe buýt...

Theo ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển GT-VT, bước đầu sẽ trợ giá thí điểm cho tuyến xe buýt số 4 Vũng Tàu-Bình Châu và số 6 Vũng Tàu - TX.Phú Mỹ. Theo tính toán giá phương tiện xe buýt 40 chỗ là 1,2 tỷ đồng/chiếc. Tổng vốn đầu tư cho cả 2 tuyến là 46 chiếc hết hơn 55 tỷ đồng. Chi phí đầu tư xây dựng cho cả hai tuyến có 196 trạm dừng và 27 nhà chờ, tổng kinh phí 5,54 tỷ đồng. 

Cho ý kiến về đề xuất của Sở GT-VT, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đơn vị vận tải sẽ được vay theo lãi suất ưu đãi từ Quỹ đầu tư của tỉnh là 6,3%/năm. Chi phí đầu tư xây dựng trạm dừng, nhà chờ nhà nước sẽ hỗ trợ. Còn về đối tượng được xét hỗ trợ giá cước vận tải, đơn vị tư vấn xem xét tập trung vào 3 mức, hỗ trợ 100%, 50% và 10% tùy theo từng đối tượng. Sau khi mô hình quản lý đi vào hoạt động ổn định, Sở GT-VT tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm quản lý điều hành VTHKCC bằng xe buýt. “Việc đưa xe buýt vào khai thác được coi là một giải pháp then chốt và là nhiệm vụ chiến lược của tỉnh trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt, thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư thêm nhiều điểm dừng xe buýt và nhà chờ xe buýt, xây dựng trung tâm xe buýt tại TP.Bà Rịa, cải tạo Bến xe Vũng Tàu thành trung tâm xe buýt…”, ông Quốc nói. 

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.