Đó là chủ đề của Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với DN diễn ra vào sáng 9/5. Đây là hội nghị rất được chờ đợi trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ được bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN hoạt động trong ngành dệt, may mặc, giày da, túi xách, ba lô... gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tiwnle Việt Nam gia công va li xuất khẩu. |
DN CHỦ ĐỘNG VƯỢT KHÓ, THÍCH NGHI
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đại dịch ảnh hưởng lên chuỗi cung cầu, thị trường tài chính; sản xuất- kinh doanh. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng bình quân cao hơn các nước khác. Điều này chứng tỏ Việt Nam không phải phụ thuộc quá lớn thị trường thế giới. Năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam rất lớn. Nhiều DN duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết: Tuy có đến 86% DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó tỷ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%... nhưng các DN Việt Nam cũng đã chủ động và tìm các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, như: Áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa; nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
Tại BR-VT, tính đến nay, gần 1.000 DN thuộc nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19; giá trị xuất khẩu của một số hàng hóa giảm mạnh, đặc biệt là các DN ngành nông nghiệp, thủy sản, may mặc mà hàng hóa chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, các DN cũng tìm cách đổi mới phương thức kinh doanh, duy trì sản xuất.
Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc công ty cho biết, dù không dồi dào hàng hóa như cùng kỳ những năm trước nhưng trong giai đoạn này, công ty vẫn tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động với mức bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Các đơn hàng dây cáp vải vẫn được sản xuất và giao hàng đúng hạn cho khách hàng.
Còn Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT cũng đã chuyển hướng sang kinh doanh online và phát triển thị trường nội địa. Điều này giúp DN vừa duy trì được sản xuất vừa giới thiệu đến với người tiêu dùng trong nước các sản phẩm thủy hải sản đông lạnh được sản xuất theo dây chuyền hiện đại đến người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều đơn hàng xuất khẩu của tỉnh bị hoãn, gia hạn thời gian giao hàng. |
TIẾP TỤC HỖ TRỢ DN THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đối với DN thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cân nhắc giảm thuế cho DNNVV, giảm thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020; tăng nguồn lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng; giảm thủ tục, điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn.
Đồng quan điểm này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất, trong ngắn hạn, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn cho DN bị ảnh hưởng của dịch cũng như hậu dịch COVID-19; ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để DN thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động qua các gói chính sách đã có của Chính phủ; các gói cho DN vay để trả lương cho người lao động...).
Lãnh đạo tỉnh BR-VT cho biết, tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong thời gian tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh và 3 tháng sau thời gian mở cửa hoạt động lại. Đồng thời, xem xét mức giảm 30% tổng tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 và gia hạn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất, tiền chậm nộp) sang đầu năm 2021. Giảm lãi suất cơ bản, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN bị tác động trực tiếp do dịch COVID-19, như: Xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép; giãn thời hạn nộp và không tính phí chậm nộp các khoản đóng góp quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn…
THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC
Tập trung vào 5 mũi nhọn
để lò xo kinh tế bật mạnh
Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh qua đi, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Vì vậy, phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy phải tập trung vào 5 mũi nhọn: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.
|
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, DN là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển; phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững; áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, DN, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Thủ tướng cho rằng, hiện nay cần nhất là 3 yếu tố, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần tạo môi trường tốt cho DN phát triển, hợp tác, hỗ trợ DN về các chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến DN và người lao động yếu thế.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU