Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng và Xí nghiệp cao su Xà Bang (huyện Châu Đức) liên tục bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, huyện Châu Đức đã kiến nghị Sở TN-MT di dời 2 cơ sở này ra khỏi khu dân cư và thượng nguồn hồ chứa nước.
Sản xuất các sản phẩm cao su tại Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng. |
Ô NHIỄM KÉO DÀI
Quán nước mía của chị Phan Thị Thanh Huyền (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức), cách Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng nửa cây số nhưng mùi hôi phát sinh từ nhà máy vẫn nồng nặc. Chị Huyền cho biết, nhiều khi khách gọi nước rồi phải bỏ đi vì không chịu nổi mùi hôi, nhất là vào là buổi trưa, buổi tối.
Được biết, khu vực xung quanh Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng có hơn 1.000 hộ dân sinh sống, riêng thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) có 579 hộ. Nhiều năm qua, người dân nơi đây như bị “tra tấn” bởi mùi hôi phát sinh từ Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng. Họ đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xử lý, nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm. Ông Lê Văn Long (tổ 12, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành) cho biết: “Không khí ô nhiễm đã đành, thỉnh thoảng, nhà máy còn xả cả nước thải đen đặc ra môi trường, ảnh hưởng đến đất đai canh tác của người dân”.
Theo Phòng TN-MT huyện Châu Đức, chế biến mủ cao su là một trong những ngành nghề nhạy cảm, dễ gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi công tác BVMT cần được triển khai nghiêm túc. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng và Xí nghiệp cao su Xà Bang (huyện Châu Đức) chưa làm tốt công tác BVMT.
UBND huyện Châu Đức kiến nghị di dời Xí nghiệp cao su Xà Bang vì lo ngại nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước suối Tầm Bó. |
ĐỀ NGHỊ DI DỜI
Xí nghiệp cao cu Xà Bang thuộc Công ty CP cao su Bà Rịa (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) đi vào hoạt động từ năm 1994, chủ yếu là sơ chế mủ cao su thiên nhiên, sản phẩm là cao su cốm với công suất thiết kế khoảng 15.000 tấn/năm. Các nguyên liệu sử dụng trong quá trình hoạt động gồm: Mủ cao su thiên nhiên (mủ nước và mủ tạp), NaOH, Acid Formic, phèn chua, dầu cao su, dầu nhờn… và dầu DO chạy máy phát điện dự phòng. Qua nhiều lần kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận Xí nghiệp chế biến mủ cao su Xà Bang chưa thực hiện tốt công tác BVMT, như: Không lưu giữ mủ tạp trong kho theo đúng quy định, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn… nên vẫn gây mùi hôi thối và có khả năng nước mưa cuốn theo cả nước mủ chảy ra môi trường.
Đoàn Kiểm tra liên ngành đã yêu cầu Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng mở tất cả các miệng cống, tuyến thu gom nước thải sau xử lý để kiểm tra. |
Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng trực thuộc Công ty TNHH Phát Hưng Tây Ninh, đi vào hoạt động từ năm 2016. Năm 2010, nhà máy này đã bị UBND tỉnh BR-VT đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường. Năm 2013, nhà máy Phát Hưng được cấp phép hoạt động trở lại khi đã xây dựng được đề án BVMT. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, công ty tiếp tục bị UBND tỉnh BR-VT phạt 574 triệu đồng vì hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường: Xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải từ 3-5 lần; thực hiện không đúng các nội dung trong đề án BVMT đã được phê duyệt (không lưu giữ nguyên liệu hoàn toàn trong kho, nhiều nguyên liệu còn để ngoài trời; sử dụng tro để đốt lò khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng; nước thải sau xử lý không tái sử dụng hoàn toàn mà thải ra môi trường…).
Ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng đã được đoàn kiểm tra về môi trường đề nghị khẩn trương khắc phục và có biện pháp kiểm soát mùi hôi, lấp mương thoát nước thải sau xử lý, trám lấp các họng xả, bảo đảm nước thải thu gom, xử lý và tái sử dụng theo đúng nội dung đề án bảo vệ môi trường. Còn Xí nghiệp cao su Xà Bang, do hoạt động sản xuất của xí nghiệp có một phần nguyên liệu từ mủ tạp vì vậy đoàn kiểm tra đề nghị đơn vị cải tạo khu vực nhà kho chứa mủ tạp, tránh trường hợp nước mưa cuốn theo chảy tràn ra ngoài; có biện pháp hạn chế, kiểm soát mùi hôi từ quá trình lưu giữ nguyên liệu, nạp liệu, sấy mủ và mùi hôi tại khu vực hệ thống xử lý nước thải. |
Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, mặc dù kết quả phân tích mẫu nước thải, khí thải, bùn thải của Xí nghiệp cao su Xà Bang đều nằm trong giới hạn cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhưng cơ sở này nằm ở xã Quảng Thành thượng nguồn hồ chứa nước Tầm Bó. Vì vậy về lâu dài UBND huyện đề nghị Sở TN-MT tham mưu UBND di dời nhà máy đến vị trí phù hợp hơn. Riêng Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng, UBND tỉnh đã nhiều lần ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn không cải thiện nên UBND huyện Châu Đức kiến nghị Sở TN-MT tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt hoạt động nhà máy này, hoặc di dời nhà máy đến vị trí khác, áp dụng các biện pháp về BVMT.
Bài, ảnh: QUANG VŨ