Năng suất và giá bán các loại trái cây hè giảm mạnh

Chủ Nhật, 24/05/2020, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, các loại trái cây chủ lực của tỉnh như xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… đang vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng nóng và khô hạn kéo dài nên hầu hết các vườn cây ăn trái đều cho năng suất thấp, giá bán cũng giảm sâu so với vụ hè năm 2019. 

Theo nhiều tiểu thương, dù giá thấp nhưng lượng tiêu thụ sầu riêng vẫn giảm so với mọi năm. Trong ảnh: Chọn mua sầu riêng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu.
Theo nhiều tiểu thương, dù giá thấp nhưng lượng tiêu thụ sầu riêng vẫn giảm so với mọi năm. Trong ảnh: Chọn mua sầu riêng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu.

Còn gia đình ông Văn Công Hòa, thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức trồng bơ trên diện tích 9.000m2. Hiện nay, vườn bơ đã được 4 năm tuổi, là thời điểm cho thu hoạch “sung sức” nhất, dù vậy, vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan. Ông Hòa cho biết, mùa khô năm nay đến sớm, kết thúc muộn, dịp cây ra hoa lại gặp nắng nóng kéo dài. Do đó, việc thiếu nước tưới khiến hoa héo khô, rụng nên năng suất giảm mạnh. Trái cũng không được đẹp như mọi năm. “Vườn bơ của tôi chỉ đạt khoảng 7 tấn so với 10 tấn của các năm trước. Cùng với đó giá bơ cũng đang giảm mạnh. Đầu vụ còn bán được 50-60.000 đồng/kg, nhưng đến nay giá bơ đã giảm mạnh chỉ còn 24.000 đồng/kg”, ông Hòa nói. Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức đang tất bật vào vụ thu hoạch chôm chôm và măng cụt. Bà Mai cho biết, vụ thu hoạch trái cây hè năm nay trễ hơn thông thường khoảng nửa tháng do thời tiết khô hạn kéo dài. Năng suất cũng không được như kỳ vọng. Cụ thể, chôm chôm chỉ cho gần 4 tấn/ha, giảm 1 tấn/ha; măng cụt 2-3 tấn/ha, giảm 0,5 tấn/ha so với mọi năm. 

Không chỉ năng suất giảm mạnh, chất lượng trái kém, cộng với thị trường tiêu thụ khó nên giá bán các loại trái cây đều ở mức thấp. Bà Nguyễn Thị Mai cho biết: “Nếu như mọi năm, thời điểm này thương lái thu mua măng cụt giá từ 50-60.000 đồng/kg, thì năm nay còn từ 25-30.000 đồng/kg. Chôm chôm cũng giảm phân nửa, chỉ còn 6.000-10.000 đồng/kg. Với năng suất, giá cả như thế này, nông dân gần như không có lãi sau cả năm trời chăm bẵm cho vườn cây ăn trái”.

Nắng nóng làm giảm chất lượng, năng suất măng cụt trong vườn bà Nguyễn Thị Mai, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức.
Nắng nóng làm giảm chất lượng, năng suất măng cụt trong vườn bà Nguyễn Thị Mai, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức.

Trong khi đó, sầu riêng được xem là “vua” của các loại trái cây hè, giá bán lúc nào cũng ở mức cao thì năm nay cũng không được như kỳ vọng. Những năm trước, thương lái vào tận vườn bao tiêu toàn bộ, với giá 55-60.000 đồng/kg (sầu riêng Thái), 60-65.000 đồng/kg (Ri 6). Tuy nhiên hiện nay,  2 loại này lần lượt có giá khoảng 30.000 và 35.000 đồng/kg. Theo đó, giá bán sầu riêng tại chợ cũng giảm mạnh, nếu như trước đây luôn ở mức từ 95-120.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 75-85.000 đồng/kg, tùy loại. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn cũng như chất lượng sầu riêng năm nay giảm đáng kể. Gia đình bà Huỳnh Thị Liên, ở ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang trồng gần 1ha sầu riêng. Theo bà Liên, năm nay, vườn sầu riêng của gia đình bà chỉ thu về khoảng 2 tấn, giảm gần 1 nửa thông thường, giá bán cũng giảm phân nửa. Dù vẫn giúp người nông dân thu lãi vài chục triệu đồng/ha nhưng đây là vụ sầu riêng kém vui nhất trong vài năm trở lại đây.

Theo ngành nông nghiệp, những năm gần đây, các loại cây trái đặc sản đã đem lại lợi nhuận cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh cũng tăng “nóng” hơn 2.000ha so với năm 2018, lên đến 10.370ha như hiện nay. Tuy nhiên, điều này mang đến nhiều rủi ro về giá cả, dịch bệnh. Do đó, theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thay vì tăng diện tích cây ăn trái một cách ồ ạt, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu nhu cầu thị trường; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng vườn cây, đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…, tránh tình trạng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Bên cạnh đó, để giảm áp lực của tình trạng được mùa - rớt giá, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân nên thực hiện xử lý cho các loại cây ra trái rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt, khiến nguồn cung dư thừa.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

 
;
.