Nâng cao chỉ số hài lòng của doanh nghiệp

Thứ Ba, 05/05/2020, 21:34 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 5/5, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. BR-VT đạt 66,96 điểm, xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành, đứng ở vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam bộ, tăng 5 bậc so với năm 2018. 

Việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI giúp các DN thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư và hoạt động tại BR-VT. Trong ảnh: Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy thép Tung Ho (KCN Phú Mỹ 2, TX. Phú Mỹ).
Việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI giúp các DN thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư và hoạt động tại BR-VT. Trong ảnh: Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy thép Tung Ho (KCN Phú Mỹ 2, TX. Phú Mỹ).

NHIỀU CHỈ SỐ THÀNH PHẦN TĂNG ĐIỂM

Theo kết quả chỉ số PCI tỉnh BR-VT năm 2019, trong số 10 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số giảm điểm so với năm 2018 là gia nhập thị trường (năm 2018 là 7,57 điểm, năm 2019 là 5,86 điểm) và thiết chế quản lý và an ninh trật tự (năm 2018 là 6,37 điểm; năm 2019 là 6,32 điểm). Như vậy, về cơ bản các chỉ số thành phần, gồm: Tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động của BR-VT đều tăng điểm. Đáng ghi nhận, chỉ số tiếp cận đất đai tăng từ 6,41 điểm (năm 2018) lên 6,95 điểm (năm 2019); chỉ số chi phí thời gian tăng từ 7,03 điểm (năm 2018) lên 7,30 điểm (năm 2019)…

Điểm sáng trong báo cáo PCI 2019 là các DN FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong lĩnh vực đăng ký DN, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN. Đặc biệt, chuyển biến tích cực rõ nét là mức độ năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành trong công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Đánh giá của VCCI cho thấy, ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. 

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho hay, 2 năm liên tiếp (2018 và 2019) chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh BR-VT liên tục tăng điểm. Để đạt được kết quả này là nhờ ngành TN-MT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, từ tháng 5/2019, Sở đã ban hành kế hoạch nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai tỉnh năm 2019, trong đó đưa ra 5 giải pháp với 24 nhiệm vụ cụ thể như: Cắt giảm TTHC; ban hành quy chế phối hợp trong việc liên thông thuế điện tử với Cục Thuế tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thủ tục cấp GCNQSDĐ… Nhờ đó, trong năm 2019, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục đạt ở mức cao, 99,35% đối với hồ sơ tổ chức, DN và 98,31% đối với hồ sơ hộ gia đình, cá nhân. 

Trong khi đó, về phía DN, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long - Gia Lai cho biết, Tập đoàn đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo ông Bùi Pháp, tính năng động của chính quyền BR-VT đã có sự thay đổi rõ nét. Cụ thể, những năm gần đây, các khó khăn, vướng mắc của DN khi đầu tư tại BR-VT được tháo gỡ kịp thời thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh. Đây cũng là điểm tích cực của BR-VT khi hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN, nhà đầu tư được tổ chức 2 lần/năm. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương thường xuyên gặp mặt, đối thoại với DN trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 hàng ngày để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các DN...

Chỉ số PCI thể hiện mức độ hài lòng của DN. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Phú (huyện Long Điền).
Chỉ số PCI thể hiện mức độ hài lòng của DN. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Phú (huyện Long Điền).

TIẾP TỤC THÁO GỠ “ĐIỂM NGHẼN”

Để đạt được mục tiêu nâng cao chỉ số PCI, trong năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Tuy nhiên, năm 2019, BR-VT vẫn còn 2 chỉ số giảm điểm là gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý - an ninh trật tự.

Theo đó, về chỉ số gia nhập thị trường, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giải đáp về các thủ tục để đăng ký thành lập DN; đăng ký đủ điều kiện hoạt động (đối với các ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện); phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh nâng cao tỷ lệ các tổ chức, cá nhân đăng ký DN, thuế, hải quan qua mạng điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh của DN đúng và sớm hơn quy định, bảo đảm nguyên tắc hướng dẫn một lần, đầy đủ để DN nhanh chóng đi vào hoạt động…

Về chỉ số thiết chế pháp lý, an ninh trật tự, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ngành thường xuyên cập nhật các văn bản pháp quy mới do Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ban hành để báo cáo UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai kịp thời với thời gian theo quy định; kịp thời báo cáo các khó khăn trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật lên các cơ quan cấp trên để có sự điều chỉnh phù hợp.

Theo báo cáo PCI 2019, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DN dân doanh đang gặp phải, bao gồm: Tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN lớn. Đây cũng là vấn đề mà các DN trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Do đó, các DN cho rằng tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế… Đồng thời, có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng…

Bài, ảnh: SONG THƯ

Việc ứng dụng CNTT làm giảm thời gian đi lại cho nhiều DN.  Trong ảnh: Người dân sử dụng phần mềm truy cập sổ đỏ của Sở TN-MT.
Việc ứng dụng CNTT làm giảm thời gian đi lại cho nhiều DN. Trong ảnh: Người dân sử dụng phần mềm truy cập sổ đỏ của Sở TN-MT.

 

;
.