Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN (TNDN), trong đó đề xuất giảm thuế TNDN từ 20% xuống còn từ 15-17%, nhằm “tiếp sức” cho cộng đồng DN (DN).
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế.
Theo Dự thảo Nghị quyết, thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp DN siêu nhỏ - có tổng doanh thu/năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân/năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp DN nhỏ - có tổng doanh thu/năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân/năm không quá 100 người (trừ DN quy định nêu trên).
Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết còn miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp tại Dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 15.500 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.900 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 12.600 tỷ đồng/năm). Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN, nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.
MINH PHƯƠNG