Thương mại điện tử (TMĐT) với phương thức bán hàng đa kênh đã phát triển và trở thành hình thức phổ biến, hỗ trợ các DNVVN tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Theo dự báo, bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi các DN đều hướng đến mô hình bán lẻ đa kênh.
Lotte Mart Vũng Tàu phải tăng cường nhân viên đi chợ giùm khi các đơn hàng online tăng mạnh. Trong ảnh: Nhân viên Lotte Mart Vũng Tàu kiểm tra các mặt hàng khách đặt online trước khi giao. |
HƯỚNG ĐI MỚI CỦA DN
Hơn 2 tháng qua, việc chuyển đổi sang mô hình bán hàng trên các kênh TMĐT được xem là “tất yếu” với các DN, nhất là các DNVVN. Việc chuyển đổi kinh doanh từ mô hình trực tiếp kiểu truyền thống lên trực tuyến không chỉ giúp DN vượt qua thời kỳ kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19 mà còn giúp thay đổi linh hoạt tư duy kinh doanh vốn có.
Khảo sát trên Tiki cho thấy, có thời điểm sàn phát sinh 3.000-4.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc nước… Đại diện Tiki cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, mức tăng trưởng đã tăng 15% so với thời kỳ cao điểm cuối năm 2019. Đây được coi là trường hợp đặc biệt, vì thông thường sau Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm thường có xu hướng giảm. Còn tại Lazada, nhu cầu mua sắm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe trên sàn cũng tăng đáng kể. Trong đó, mặt hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, tã giấy và giấy tăng hơn 60%, đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%...
Không nằm ngoài “cuộc chơi”, các DN bán lẻ cũng nhanh chóng thích ứng với kinh doanh trong mùa dịch. Nhiều DN trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Co.op, Lotte… cũng đưa các sản phẩm bán tại siêu thị “lên mạng” hoặc đặt hàng qua điện thoại.
Bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc Lotte Mart Vũng Tàu cho biết: Nếu trước đây, kênh bán hàng trực tuyến trên SpeedL của hệ thống Lotte dao động trong khoảng chục đơn hàng trở lại thì nay đã tăng lên gấp 10-20 lần. Hàng ngày, siêu thị đều bố trí nhân viên trực điện thoại, theo dõi trang SpeedL để nhận đơn hàng và tư vấn sản phẩm cho khách.
Trong khi đó, ông Trần Minh Cảnh, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Vận tải - Điện máy 121 (165, Bạch Đằng, TP. Bà Rịa) cho biết, mỗi ngày, trên các trang fanpage của công ty như zalo, facebook có khoảng 500 lượt khách hàng tương tác, trong đó số đơn đặt hàng thành công chiếm khoảng 25%. Lượng tương tác này đã góp phần tăng thêm 30% doanh thu cho đơn vị. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng mua sắm trực tuyến, công ty còn đăng ký tên, thông số kỹ thuật, giá sản phẩm trên internet để khách hàng dễ tìm kiếm, chọn lựa trước khi đặt mua online tại fanpage. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng đội ngũ bán hàng, nhân viên kỹ thuật để tư vấn bán hàng, trả lời các thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, về kỹ thuật của các sản phẩm khách hàng đang sử dụng, thậm chí bảo dưỡng online trước khi kiểm tra thực tế tại nhà cho khách có nhu cầu.
TẠO LÒNG TIN VỚI KHÁCH HÀNG
Chính những tiện ích của TMĐT mang lại đã giúp người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm trực tiếp chuyển sang trực tuyến, tuy nhiên, để tạo niềm tin và giữ vị thế trong lòng khách hàng lại là một thách thức lớn. Bởi người tiêu dùng không trực tiếp đến tận nơi xem mặt hàng, họ cần nhất hàng hóa được bảo đảm chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ. Ông Trần Minh Cảnh, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Vận tải - Điện máy 121 cho biết: Thời gian qua, DN không chỉ đơn thuần đưa hàng hóa lên fanpage mà còn trả một khoản phí để tận dụng kênh tìm kiếm của google, giúp khách hàng dễ truy cập, tìm kiếm sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Tất cả sản phẩm đưa lên fanpage đều là hình ảnh thật kèm thông tin, tính năng, xuất xứ rõ ràng của sản phẩm. Công ty luôn bố trí nhân viên trực giải đáp, tư vấn thắc mắc của khách hàng; giao hàng tận nơi và hỗ trợ đổi trả nếu sản phẩm khách hàng nhận không như tư vấn.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đã trở nên phổ biến trước xu hướng tiêu dùng online tăng mạnh. Tuy nhiên, kinh doanh trực tuyến rõ ràng có phần thách thức hơn phương thức truyền thống vì những giao dịch trên không gian mạng, do đó thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh nhằm tạo lòng tin với khách hàng là điều DN cần đặc biệt quan tâm. Vấn đề cốt lõi vẫn là DN cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, chuyển tải thông tin hàng hóa kỹ lưỡng và bài bản tới khách hàng đi kèm dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU