DN dệt may tìm cơ hội mới trong khó khăn
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nhiều DN ngành dệt may đã bị giảm doanh thu 20% trong quý I/2020. Hầu như các DN may xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng trong tháng 3 và tháng 4, còn tháng 5-6 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. Có tới 100% DN sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; trong đó, khoảng 70% DN cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% DN sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 5. Doanh thu thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 5.
Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu cắt mẫu khẩu trang vải kháng khuẩn tại xưởng. Ảnh: VÂN ANH |
Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019; trong đó xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,98%. Xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%; xuất khẩu vải không dệt giảm 22%; xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 6%. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích về tình hình của ngành dệt may Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020, cho thấy, dịch COVID-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Nếu ngay từ tháng đầu tiên của năm, DN thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất thì từ giữa tháng 3 đến nay, hầu hết DN lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng do đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu hoãn, hủy đơn hàng. Thậm chí, nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, chuyển tới cảng biển lại buộc phải quay về kho do không giao được hàng, DN không gánh được chi phí lưu kho bãi.
Đại diện một số DN dệt may cho rằng, số lượng đơn hàng của đơn vị đều giảm đến 80-90% khi các đối tác từ Mỹ, EU tạm ngừng nhận đơn hàng.
Tuy nhiên, trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bất ngờ tạo cơ hội chưa từng có cho dệt may Việt Nam, đó là sản xuất khẩu trang các loại để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều DN dệt may đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang để giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Tại thị trường nội địa, khẩu trang liên tục cháy hàng, người tiêu dùng xếp hàng chờ đến lượt mua khẩu khang của các DN có uy tín, giúp các DN nhanh chóng chuyển hướng sản xuất và phải tối đa hoá công suất. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng với những tín hiệu khả quan từ các đơn đặt hàng khẩu trang của châu Âu, Mỹ... với DN Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế, đây được coi là cơ hội hiếm hoi để DN dệt may Việt Nam cầm cự, chờ đợi cơ hội phục hồi.
Sản xuất khẩu trang có thể nói là cơ hội lớn giúp các DN trong lúc khó khăn như hiện nay, đặc biệt mới đây Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang..., các DN cần tranh thủ khai thác thị trường châu Âu, Mỹ với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng và uy tín luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu.
HẰNG TRẦN