Chung tay cứu biển khỏi rác
Những năm gần đây, biển đang hứng chịu vô vàn nguồn thải, khiến cho môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm nguồn sống của người dân. Vì vậy, bảo vệ môi trường (BVMT) biển đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Và “hãy làm sạch biển” là thông điệp mà các địa phương trên địa bàn tỉnh đang kêu gọi mọi người dân chung tay, góp sức cứu biển khỏi rác.
Các bạn trẻ tham gia nhặt rác tại bãi biển Vũng Tàu sau đó tổ chức phân loại rác. |
OẰN MÌNH CHỊU Ô NHIỄM
Theo thống kê của Bộ TN-MT, khoảng 70% chất gây ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền, xuất phát từ những chất xả thải của dân cư, từ các ngành công nghiệp, xây dựng... Trong đó, đáng kể và nguy hại nhất là các chất bồi lắng, hóa chất, kim loại, nhựa, cặn dầu... từ các nhà máy xả thẳng ra đại dương. BR-VT là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển đang chịu những tác động không nhỏ từ các nguồn thải này.
Ngay tại BR-VT, ở từng khu vực dân cư ven biển, ở các khu vực sản xuất, tình hình xả thải ra biển cũng đang bộc lộ những yếu tố khó quản lý. Chẳng hạn, tại huyện Long Điền, theo báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn huyện có khoảng 40.000-45.000 dân sinh sống tập trung dọc 14km bờ biển, hàng ngày xả một lượng lớn nước thải và rác thải ra biển. Dọc các bãi biển cũng là nơi neo đậu của 1.600 ghe, tàu các loại. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có đến 71 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có nhiều cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, bãi biển từ ấp Phước Bình (xã Phước Tỉnh) qua ấp Hải Sơn (xã Phước Hưng) kéo dài xuống khu vực khu phố Hải Vân, Hải Hà thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), dài gần 2km đang ngập rác… Ông Đặng Văn Công, Tổ trưởng tổ 1, ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, cho biết, có khoảng 20-30 hộ chế biến hải sản nhỏ lẻ ven biển xả thải trực tiếp ra môi trường, khiến môi trường ven biển khu vực này ô nhiễm trầm trọng. Khu vực tổ 1 trước đây có hơn 60 hộ dân sinh sống nhưng vì ô nhiễm môi trường, mùi hôi phát tán ngày càng rộng và nồng nặc. 5 năm trở lại đây, khoảng 20 gia đình phải bán nhà hoặc đóng cửa chuyển đi nơi khác sinh sống.
Ngoài lượng rác từ trong ra, biển BR-VT cũng đang hứng chịu luồng rác từ ngoài biển trôi dạt vào. Tại TP.Vũng Tàu, hàng năm, các bãi biển Vũng Tàu phải hứng chịu 2 đến 3 đợt rác thải từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây Nam bộ. Theo ông Nguyễn Trung Trực, Phó Giám đốc Công ty CP dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu, cho biết, mỗi đợt nhanh thì 3-4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với nhiều loại rác. Theo chu kỳ, có 2 đợt rác dạt vào bờ biển Vũng Tàu nhiều nhất là cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam và cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi thời tiết chuyển gió từ Tây Nam sang Đông Bắc, kết hợp thủy triều lớn đẩy rác từ khắp nơi trôi về.
Tại huyện Côn Đảo, lượng rác thải từ đại dương tập trung về các bãi biển trên địa bàn huyện Côn Đảo với khối lượng khoảng 900 m3/năm. Các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là Bãi Vong khu vực Cỏ Ống; bãi Bờ Đập, bãi Dương hòn Bảy Cạnh; bãi Cát Lớn hòn Bà; Vịnh Đầm Tre… Rác chủ yếu là vỏ chai nhựa, chai sứ, bao nilông, lưới đánh cá và dầu cặn.
Bãi biển Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) ngập rác các chất súc rửa từ ghe, tàu. |
BẢO VỆ ĐẠI DƯƠNG
Thời gian qua các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp hay, nhiều mô hình thiết thực nhằm BVMT biển. Cụ thể, tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) nhiều năm qua đã thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT đến từng đoàn viên, hội viên và người dân; xây dựng mô hình khu dân cư tự quản BVMT, ký cam kết với những hộ chế biến thủy hải sản, bố trí các phương tiện thu gom rác trên tuyến đường ven biển. Đến nay 10/10 khu dân cư với 99% hộ dân trên địa bàn thị trấn đăng ký thu gom rác tại nhà thay vì tùy tiện thải rác ra bờ biển như trước đây. Ngoài ra, một số người dân địa phương đã có sáng kiến đặt thùng rác công cộng ngay vỉa hè để tiện gom rác. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tình trạng rác thải dưới bãi biển từ các đò ngang, thuyền thúng sau khi sơ chế thủy sản tự phát, thị trấn Phước Hải đã quy hoạch địa điểm cố định cho khoảng 100 đò ngang, thuyền thúng neo đậu, đồng thời giao cho khu dân cư quản lý, tổ chức cho các hộ ngư dân cam kết thu dọn rác và phế thải sơ chế cá tôm sau mỗi chuyến biển.
Tại TP. Vũng Tàu, ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu cho biết, nhiều năm qua, TP. Vũng Tàu đã xác định phát triển du lịch bền vững là mục tiêu quan trọng của thành phố. Do đó, từ năm 2016 thành phố đã thực hiện lập lại an ninh trật tự, môi trường du lịch, cấm ăn uống, nấu nướng, xả rác trên bãi biển. Nhờ đó đến nay có những ngày lượng khách du lịch lên đến hơn 150.000 người/ngày nhưng biển Vũng Tàu vẫn sạch, đẹp. “Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân, thu gom rác, làm sạch bãi biển… để thông điệp “hãy làm sạch biển” được lan toả, nhân rộng”, ông Huy nói.
Lãnh đạo và người dân TP. Vũng Tàu tham gia nhặt rác làm sạch bãi biển tại Bãi Sau. Ảnh: QUANG VŨ |
Tuy nhiên, những mô hình, giải pháp hay là chưa nhiều và còn ở mức độ nhỏ lẻ. Cần có những cuộc vận động quy mô lớn hơn để thay đổi nhận thức của mỗi người về trách nhiệm bảo vệ đại dương. Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam, một trong những thách thức trong triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển BR-VT hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản. Vì vậy, để BVMT biển, BR-VT cần có xác định một cách quyết liệt hơn đối với nhiệm vụ BVMT biển; Cần ưu đãi nhiều hơn đối với những DN, những dự án có các giải pháp tốt về BVMT, nhất là môi trường biển… Đặc biệt, việc giáo dục BVMT biển cũng nên được đưa vào các chương trình dạy học.
Bài, ảnh: QUANG VŨ