Thời gian qua, việc quản lý theo Chuỗi Thực phẩm an toàn (TPAT) đã giúp các cơ quan quản lý kiểm soát được chất lượng sản phẩm nông, thủy sản; người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Đến nay, 17 Chuỗi TPAT của tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì và trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.
Người dân mua gà tại quầy thịt gà an toàn của bà Phạm Ngọc Mai (chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu). |
Tổ rau an toàn Láng Cát, xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ) hiện có 32 thành viên, trồng các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau dền, cải thìa, rau thơm các loại. Trung bình mỗi ngày, tổ thu hoạch hơn 2 tấn rau các loại. Ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng tổ rau an toàn Láng Cát cho biết: Từ khi tham gia vào chuỗi TPAT của tỉnh (năm 2016), từng cây rau, luống rau được các hộ dân ghi ghép đầy đủ, tỉ mỉ suốt quá trình sinh trưởng từ khâu làm đất đến xuống giống, chăm sóc. Thậm chí, các hộ dân còn ghi rõ tên loại thuốc bón, liều lượng, tên cửa hàng mua thuốc. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến thu mua. Hiện nay, bên cạnh tiêu thụ ở một số địa phương trong tỉnh như: TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu và một số chợ như Ngọc Hà, Mỹ Xuân (huyện Tân Thành), rau ở đây còn được tiêu thụ ở một số tỉnh lân cận và được thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 5.000 - 17.000 đồng/kg, tùy loại rau.
Còn tại quầy bán thịt bò của bà Vũ Thị Rằm, Vũ Thị Kim Dung (chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) cũng buôn bán khá nhộn nhịp. Bà Vũ Thị Rằm cho biết, cuối năm 2016, quầy thịt bò của bà được công nhận và gắn biển “Cửa hàng kinh doanh bán sản phẩm thịt bò an toàn”. “Từ khi tham gia chuỗi TPAT của tỉnh, quầy thịt của tôi bán chạy hơn hẳn, mỗi ngày tôi bán được từ 6-7 tạ thịt bò và chủ yếu là bỏ mối cho các nhà hàng. Riêng tại chợ, mỗi ngày tôi cũng bán được khoảng 1 tạ thịt bò. Thịt bò bày bán tại đây được kiểm soát nguồn gốc chặt chẽ, rõ ràng. Cơ sở giết mổ Kim Thu (Bà Rịa) - nơi cung cấp thịt bò cho cửa hàng của tôi cũng nằm trong chuỗi TPAT nên việc giết được thực hiện đúng quy trình, cách ly với nguồn thải, bảo đảm ATVSTP”, bà Rằm nói.
Theo ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, Chuỗi TPAT là mô hình quản lý trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - vận chuyển - sơ chế, chế biến - cơ sở kinh doanh. Việc xây dựng và quản lý ATTP theo chuỗi đã và đang dần khẳng định vai trò trong việc đảm bảo chất lượng, ATTP sản phẩm trước khi đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Các chuỗi TPAT giúp người tiêu dùng vững tin hơn và dễ dàng lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng cho bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, chuỗi TPAT cũng giúp các DN, nhà sản xuất tham gia chuỗi an tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đây là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh đầu ra, phát triển ổn định sản xuất, nâng cao uy tín và thương hiệu.
Theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến nay, toàn tỉnh có 17 chuỗi sản phẩm, 46 điểm/cửa hàng kinh doanh sản phẩm, thực phẩm thuộc Chuỗi TPAT với các sản phẩm: rau, củ, thịt gà, thịt heo, thịt bò, cá chỉ vàng khô tẩm gia vị, chả cá, cá ngừ, cá nục, tôm, cá thu một nắng, tiêu... Mỗi năm, các cơ sở kinh doanh thuộc chuỗi cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 tấn sản phẩm các loại. Các sản phẩm xác nhận thuộc chuỗi đều đảm bảo chất lượng, được bao gói, ghi nhãn và có logo nhận diện đã tạo sự khác biệt đối với các sản phẩm cùng loại. Trong giai đoạn 2019-2020, ngành công thương phấn đấu có ít nhất 60 cửa hàng, điểm bán sản phẩm thuộc Chuỗi TPAT.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU