Cảng phải sẵn sàng năng lực đón tàu lớn

Thứ Năm, 14/05/2020, 19:39 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, nhằm tiết kiệm chi phí, những con tàu với kích cỡ lớn đã và đang được các hãng tàu đưa vào sử dụng. Thực tế này đòi hỏi các DN cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) cần tăng năng lực cảng để đón tàu lớn.

Tàu HYUNDAI PRIDE của hãng tàu HMM cập cảng TCIT.
Tàu HYUNDAI PRIDE của hãng tàu HMM cập cảng TCIT.

CƠ HỘI ĐÓN THÊM NHIỀU TÀU LỚN  

Đầu tháng 5 vừa qua, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã tiếp nhận thành công tàu mẹ HYUNDAI PRIDE của hãng tàu HMM, thuộc tuyến dịch vụ EC4 (East Coast 4) do liên minh THE khai thác. Đây là chuyến tàu đầu tiên của hãng tàu HMM cập cảng Việt Nam kể từ khi chính thức gia nhập liên minh THE từ ngày 1/4/2020. Đặc biệt,  HYUNDAI PRIDE là tàu container lớn nhất của hãng tàu HMM (sức chở hơn 13 ngàn TEUs) lần đầu tiên ghé Việt Nam. Với sự gia nhập liên minh THE  tại cụm cảng CM-TV nói chung và TCIT nói riêng, kỳ vọng hãng tàu HMM sẽ góp phần tăng sản lượng của cảng TCIT trong năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, hàng tuần, tàu MSC Venice, trọng tải 18 ngàn TEUS đều cập cảng CMIT để làm hàng. MSC Venice thuộc liên minh vận tải 2M, 1 trong 2 hãng vận tải biển lớn nhất thế giới. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, từ đầu năm đến nay, CMIT đã đón thành công 79 chuyến tàu mẹ, trọng tải từ 140-180 ngàn DWT. Từ nay đến cuối năm 2020, dự báo cảng CM-TV sẽ tiếp tục thêm 1 năm bận rộn và thành công với các tàu kích cỡ lớn cập cảng về CM-TV. 

Theo tính toán của Hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), trên thế giới, cỡ tàu 14-21 ngàn TEUs chiếm 34% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động và dự kiến đến năm 2020 những con tàu container với sức tải hơn 18 ngàn TEUs sẽ chiếm đến 70% lượng tàu hoạt động trên tuyến Á-Âu. Bởi, nếu đưa 1 tàu 20 ngàn TEUs vào thay thế tàu 14 ngàn TEUs thì chi phí vận chuyển 1 container từ CM-TV sang Châu Âu giảm từ 200-250 USD/TEUs, mức giảm khá lớn. Nếu loại tàu này mở tuyến đến Việt Nam, tại cụm cảng số 5 chỉ có cụm cảng CM-TV đủ điều kiện tiếp nhận. Do đó, cảng CMIT nói riêng và cụm cảng CM-TV nói chung đã và đang nỗ lực không ngừng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, xứng tầm một trong những cảng nước sâu lớn nhất của cả nước, góp phần định hình vị thế của khu cảng CM-TV trên bản đồ hàng hải thế giới.

Ông Keith Townley, thuyền trưởng tàu Maerk Evora cho biết, năm 2020, dự kiến các hãng tàu như: CMA-CGM, Maersk, COSCO, Ocean Network Express sẽ đưa tàu kích cỡ từ 18 ngàn TEUs vào cảng (CM-TV), bởi nơi đây là cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn.  

Tàu MSC Venice, trọng tải 18 ngàn TEUS cập cảng CMIT làm hàng.
Tàu MSC Venice, trọng tải 18 ngàn TEUS cập cảng CMIT làm hàng.

DN MỞ RỘNG QUY MÔ ĐẦU TƯ 

Trước xu hướng chung của thị trường vận tải biển quốc tế, các DN cảng  tại CM-TV cần phải tiếp tục đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm tăng năng lực đón tàu kích cỡ lớn. Theo đó, vừa qua, Cảng TCIT đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại bao gồm: 1 cẩu bờ hiện đại lớn nhất Việt Nam có tầm với 24 hàng container, nâng số cẩu bờ lên 10 chiếc; đồng thời thêm 2 cẩu bãi nâng số lượng cẩu bãi lên 22 chiếc; đầu tư thêm 10 xe đầu kéo và 2 xe nâng cùng nhiều trang thiết bị khác. Ông Kurita, Tổng Giám đốc Cảng TCIT cho biết: Tới năm 2021, TCIT sẽ tiếp tục trang bị thêm 3 cẩu bờ với kích thước lớn hơn để thay thế 3 cẩu bờ cỡ trung hiện tại. Đồng thời, sẽ đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại. Với các trang thiết bị này, cảng có thể tiếp nhận các tàu trọng tải từ 20 ngàn TEUs, năng lực khai thác của cảng TCIT tới năm 2021 dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với hiện tại.

Công ty CP Vinalogistics cung cấp dịch vụ lai dắt bằng tàu công suất lớn tại cụm cảng CM-TV.
Công ty CP Vinalogistics cung cấp dịch vụ lai dắt bằng tàu công suất lớn tại cụm cảng CM-TV.

Công ty CP Vina Logistics (VNL) đơn vị khai thác cảng Hưng Thái đã đẩy mạnh đội tàu lai, mua mới 3 tàu azimuth công suất 5.000 BHP/tàu, nâng tổng công suất đội tàu lai của VNL lên 21.400 BHP. Đội tàu lai gồm 6 tàu này cung cấp dịch vụ lai dắt cho các tàu cập phao Gò Gia cũng như cập các cảng toàn khu vực CM-TV. Trong năm 2020, VNL sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cầu bến giai đoạn 2, đưa thêm 3 cẩu bờ vào hoạt động, mở rộng bãi container có sức chứa tới 6 ngàn TEUs. Ngoài ra, VNL sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cầu cảng, hoàn thành giai đoạn 2 Cảng Hưng Thái, kho bãi, kho CFS, kho ngoại quan… đưa Cảng Hưng Thái trở thành depot đầu tiên tại tỉnh. 

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, các DN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh doanh và tổ chức điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để rút ngắn  thời gian giải phóng tàu, tiết kiệm chi phí.  Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng Giám đốc cảng CMIT cho biết,  CMIT là cảng container đầu tiên tại Cái Mép và khu cảng miền Nam thực hiện  thành công hệ thống giám sát hải quan tự động đối với hàng hoá tại cảng. Điều này được các hãng tàu, các nhà xuất nhập khẩu, các đối tác đánh giá cao và mang lại thuận lợi rất lớn để tăng sản lượng hàng về CM-TV. Đến nay, CMIT đã triển khai thành công hoá đơn điện tử 100% (e-invoice) nhằm tăng cường tính tự động hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.  

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

 
;
.