An Ngãi tận dụng tối đa nguồn lợi nuôi trồng thủy sản

Thứ Sáu, 15/05/2020, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

Xã An Ngãi đang huy động mọi nguồn lực, phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao bền vững; xây dựng khu đô thị sinh thái ven sông Cửa Lấp, từng bước phấn đấu trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, kết nối đô thị Long Điền và Long Hải.

Ông Nguyễn Văn Gia (trái), giới thiệu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, kết hợp kinh doanh ăn uống, du lịch sinh thái (xã An Ngãi, huyện Long Điền).
Ông Nguyễn Văn Gia (trái), giới thiệu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, kết hợp kinh doanh ăn uống, du lịch sinh thái (xã An Ngãi, huyện Long Điền).

PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 240ha, xã An Ngãi định hướng tái cơ cấu ngành theo hướng đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất, phát triển nhiều mô hình nuôi cá, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH Thủy sản Mạnh Cường.

Ông Nguyễn Văn Gia, quản lý cơ sở nuôi tôm của Công ty TNHH Thủy sản Mạnh Cường cho biết: Với diện tích 30.000m2, Công ty cho xây 10 ao nuôi trong nhà lưới. Chỉ sau 1 năm nuôi tôm, Công ty đã thu hoạch hơn 13 tấn tôm thương phẩm, giá bán từ 180 – 200.000 đồng/kg tôm (loại 30 con/kg). 

“Nuôi tôm theo mô hình này đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao trong xử lý môi trường nuôi. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng ao nuôi có diện tích phù hợp, thuận lợi cho việc quản lý, phải có thêm hệ thống ao phụ trợ như ao lắng, ao xử lý … để hạn chế dịch bệnh và cho sản phẩm tôm bảo đảm sạch, an toàn về chất lượng”, ông Gia nói.

Còn cơ sở nuôi tôm Liên Giang, cùng địa bàn xã An Ngãi, có quy mô 7ha với 15 ao nuôi theo công nghệ 3 sạch (CPF – Combine) được chuyển giao từ Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Công nghệ này sử dụng nước tuần hoàn, kiểm soát được chất lượng nước, dịch bệnh. Năng suất mỗi năm đạt khoảng 53 tấn tôm thương phẩm/ha ao nuôi. 

Được biết, hiện trên địa bàn xã An Ngãi có 65ha nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; 175ha nuôi tôm quảng canh, tập trung chủ yếu ở ấp An Thạnh. Sản lượng mỗi năm đạt hơn 350 tấn. Giá trị từ nuôi trồng thủy sản trung bình mỗi năm đạt gần 32 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở xã An Ngãi đang cho thu hoạch ổn định, hiệu quả, cần được nhân rộng và phù hợp với quy hoạch lâu dài cho sự phát triển của ngành nuôi tôm BR-VT.

Ông Nguyễn Văn Gia (trái), giới thiệu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, kết hợp kinh doanh ăn uống, du lịch sinh thái (xã An Ngãi, huyện Long Điền).
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của cơ sở Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Điền).

KẾT NỐI DU LỊCH DỊCH VỤ VEN SÔNG

Theo Viện Quy hoạch đô thị-Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), khu vực ven sông và dọc hai bên Tỉnh lộ 44A của xã An Ngãi được quy hoạch trở thành khu đô thị mới, với diện tích khoảng 634ha. Đây cũng là hạt nhân thúc đẩy kinh tế-xã hội An Ngãi phát triển, gắn kết với các đô thị Long Điền - Long Hải thành một đô thị lớn trong tương lai. 

Trên cơ sở đó, HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết đã đề xuất triển khai dự án “Nuôi trồng thủy sản, kết hợp dịch vụ - du lịch ven sông Cửa Lấp”. Ông Đỗ Tấn Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết cho biết, dự án có quy mô khoảng 13ha, nằm trên địa bàn ấp An Thạnh. Về giải pháp công nghệ, HTX áp dụng quy trình nuôi thâm canh và siêu thâm canh theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần tích cực bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Văn Gia, cơ sở nuôi tôm của ông hiện đang kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, dịch vụ ăn uống, phối hợp tổ chức các tour trải nghiệm làm muối cho HS, SV … thu hút gần 1.000 lượt khách mỗi tháng.

Ngoài ra, để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của An Ngãi, huyện Long Điền đã và đang kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa các loại hình kinh tế, sản phẩm du lịch khu vực ven sông Cửa Lấp, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị khu vực Long Điền - Long Hải của huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bài, ảnh: TUẤN HẢI

;
.