Từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng hóa qua cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, con số ấn tượng đó khó có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới, do tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, Mỹ.
Tàu CMA-CGM Pelleas trọng tải 145 ngàn TEUs cập Cảng CMIT. |
HÀNG CONTAINER QUA CẢNG TĂNG 29%
Báo cáo từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng CM-TV đạt gần 1,1 triệu TEUs, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, một số cảng sau một thời gian dài gặp khó khăn trong việc thu hút các hãng tàu thì nay đã có sự tăng trưởng vượt bậc như: Cảng Sài Gòn SSA (SSIT), Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) với mức tăng từ 85%-117%.
Ông Trần Hoài Nam, Tổng Giám đốc TCTT cho biết: Từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng container qua cảng đạt hơn 205 ngàn TEUs, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2019. TCTT vừa đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cấp cầu tàu và đón thành công những chuyến tàu có trọng tải 160 ngàn DWT cập cảng, đồng thời duy trì đón 5 chuyến tàu XNK/tuần. Đây là dấu hiệu tích cực với cảng TCTT nói riêng và cụm cảng CM-TV nói chung.
Tương tự, sản lượng hàng container qua cảng SSIT từ đầu năm đến nay đạt hơn 59.000 TEUs, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2019. Tin vui đáng kể đối với cảng SSIT là giữa tháng 4 vừa qua, cảng này đón thành công tàu CONTI CRYSTAL của tuyến dịch vụ container trực tiếp đi bờ Tây Bắc Mỹ. Tàu CONTI CRYSTAL là 1 trong 8 tàu thuộc tuyến dịch vụ PN2. Đây là tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam và các nước Đông Nam Á với Tây Bắc Mỹ như Tacoma, Washington (Hoa Kỳ) và Vancouver (Canada). Tàu CONTI CRYSTAL thuộc sở hữu của hãng tàu Yang Ming có sức chở hơn 8.000 TEUs, trọng tải hơn 106.000 DWT, với chiều dài 334m. Chuyến tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ PN2 ở cảng SSIT đã xếp dỡ tổng cộng 1.232 container.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng SSIT chia sẻ: Mặc dù SSIT còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhưng với việc tàu CONTI CRYSTAL cập cảng hàng tuần đã mở ra triển vọng phát triển của SSIT cũng như các cảng tại khu vực CM-TV về lâu dài. Đặc biệt, định hướng phát triển cảng trung chuyển sẽ làm thay đổi căn bản về sản xuất kinh doanh cho các cảng trong khu vực, trong đó có SSIT. Thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ sẽ là những bước quan trọng để phát triển CM-TV thành hệ thống cảng trung chuyển quốc tế.
KHÔNG ĐỂ DN CẢNG BIỂN DÍNH “ĐÒN KÉP”
Theo nhận định của các DN cảng biển, dù giữa tâm dịch COVID-19, cụm cảng CM-TV vẫn đạt được mức tăng trưởng hàng hóa ấn tượng là do 2 tháng đầu năm, dịch bệnh chỉ ảnh hưởng đến các cảng biển và tuyến vận tải khai thác hàng rời từ Trung Quốc về. Một số bến cảng tại cụm CM-TV như: CMIT, SSIT, TCIT, TCTT,… khai thác hàng container từ Việt Nam đi trực tiếp châu Âu nên lượng hàng hóa ít bị tác động.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã bùng phát ở châu Âu, Mỹ nên dự kiến, từ cuối tháng 4/2020, quá trình sản xuất toàn cầu sẽ gián đoạn, kéo theo sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển bị sụt giảm, các DN cảng biển sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Để hỗ trợ các DN cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GT-VT tiếp tục áp dụng mức thu phí, lệ phí hàng hải bằng 60% đối với các tàu có tổng dung tích từ 50.000 GT trở lên vào, rời các bến cảng trên sông CM-TV sau thời gian 1/1/2021 thay vì chỉ đến hết ngày 1/1/2021.
Ở một diễn biến khác, Bộ GT-VT đã từ chối đề xuất của các DN xuất nhập khẩu và Hiệp hội Logistics Việt Nam, về việc giảm 30% giá dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng biển nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn tỉnh đạt 26,4 triệu tấn, tăng 11%. Dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2019.
(Nguồn: Sở GT-VT)
|
Quyết định trên của Bộ GT-VT được các DN cảng biển rất đồng thuận. Theo lý giải của Bộ GT-VT, giá xếp dỡ container theo Thông tư số 54/2018 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao, neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí thấp hơn Campuchia. Việc giảm giá xếp dỡ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các DN cảng biển Việt Nam và mang lại lợi ích cho các DN vận tải biển nước ngoài (trong khi các DN này vẫn thu phụ phí cao đối với DN xuất nhập khẩu Việt Nam). Vì vậy, quan điểm của Bộ GT-VT là không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển. Quyết định theo đánh giá của các DN cảng biển là đã rất kịp thời và tránh cho các DN sẽ không thấm “đòn kép” từ dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc CMIT, từ quý II/2020, các DN cảng sẽ không sẽ tránh khỏi ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra, hàng hóa thông qua cảng sẽ giảm mạnh là điều mà các DN đã tiên lượng. Trong bối cảnh lượng hàng hóa qua cảng biển sụt giảm do dịch bệnh, nếu tiếp tục phải giảm giá dịch vụ cảng biển, DN cảng biển Việt Nam sẽ phải chịu đòn kép. “Dịch COVID-19 sẽ gây khó khăn cho tất cả các DN trong đó có các DN cảng biển. Trong khi hiện nay một số cảng tại khu vực CM-TV chưa thể khai thác đúng công suất và vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc các khoản vay nên nếu giá sàn dịch vụ xếp dỡ giảm 30% chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến quá trình tái cơ cấu tài chính của các cảng”, ông Kỳ nói thêm.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN