Đó là ông Nguyễn Minh Lý (ấp 1, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ). Không chỉ thành công trong tìm tòi cải thiện chất lượng thịt gà theo hướng an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, ông Lý còn đăng ký truy xuất nguồn gốc và sẵn lòng chia sẻ bí quyết cho người cần.
Ông Nguyễn Minh Lý chăm sóc đàn gà của gia đình. |
KHÔNG TỪ BỎ ƯỚC MƠ
Ông Nguyễn Minh Lý, SN 1974, quê Quảng Trị. Ông theo gia đình vào sinh sống tại ấp 1, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ từ năm 1991. Ông kể, thời điểm đó, Tóc Tiên đất rộng người thưa, nhưng khô cằn, chỉ chăn nuôi và trồng cây nông nghiệp. Thanh niên có sức vóc thì đi các vùng lân cận làm thuê mướn. Ông cũng không ngoại lệ. Sau 3 năm phụ giúp cha mẹ, năm 1994, ông lập gia đình và ra ở riêng. Tích cóp được 15 triệu đồng và vay mượn thêm, năm 1995, ông mua 6 sào đất. Ban đầu, ông đầu tư nuôi 500 con gà, kết hợp trồng bắp, đậu. Sau hơn 5 tháng, lứa gà đầu tiên xuất chuồng. Trừ hết chi phí, ông lãi được 2 triệu đồng. Nhận thấy thị trường hút thịt gà mà giá bán cũng ổn định, ông tăng dần đàn gà. Từ vài trăm con lên 1.000-2.000 rồi gần 20.000 con.
Tuy nhiên, khi đàn gà tăng lên cũng đồng nghĩa với chi phí nuôi, mùi hôi thối, nguy cơ gà nhiễm bệnh và lây lan cũng nhanh hơn. “Có những thời điểm, trại gà 20.000 con bị bệnh chết hàng loạt. Muốn gà hết bệnh phải dùng kháng sinh, song kháng sinh là con dao 2 lưỡi vì vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây hại cho người tiêu dùng lại hại chính người nuôi”, ông tâm sự.
Để khắc phục những nhược điểm trên, ông tham khảo những người cùng làm nghề rồi lên mạng tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Từ đầu tư đệm lót sinh học, đến chọn giống gà có xuất xứ rõ ràng rồi tự nhân giống ấp nở gà con, hạn chế nhập nguồn gà từ bên ngoài vào đều được ông thực hiện nhằm mục tiêu hạn chế tối đa gà bệnh. Thế nhưng, may rủi khó lường. Năm thời tiết thuận lợi, gà được giá thì có lời, nhưng khi gà mất giá, đổ bệnh thì nợ nần chồng chất.
Năm 2016, khi phong trào nuôi gà thảo dược rộ lên, ông cũng mày mò tìm hiểu. Ông đi nhiều nơi nuôi gà thảo dược tham khảo cách làm, mua gà về ăn thử và nhận thấy thịt trắng, thơm và dai hơn so với dùng cám thực phẩm. Chuồng trại cũng giảm hẳn mùi hôi thối, gà ít bệnh, sức đề kháng tốt hơn hẳn. Ông quyết định phải chuyển đổi phương thức nuôi vì sức khỏe của bản thân, gia đình và người tiêu dùng.
Lứa gà đầu tiên, ông nuôi thí nghiệm 1.000 con. Sau hơn 1 tháng nuôi, gà bệnh chết gần hết. Những con không chết thì còi cọc, chậm lớn. Ông cho hay, ai cũng biết có 8 loại thảo dược được sử dụng thay thế kháng sinh cho gà gồm: tỏi, gừng, nghệ, riềng, đinh lăng, quế, trần bì, sả được trộn với đậu nành, bắp, cám, các loại axitamin… Song tỷ lệ trộn ra sao, loại thảo dược nào phù hợp cho mùa nóng-mùa lạnh… không ai chia sẻ cụ thể.
Với quyết tâm phải tìm bằng được công thức thức ăn cho gà từ thảo dược, ông kiên trì thử nghiệm tiếp lứa 2, 3, 4. Thế nhưng lứa nào tỷ lệ gà bị cúm, chậm lớn, gặp các bệnh lý cũng nhiều. “Chỉ trong 2 năm 2016 và 2017, 2 miếng đất gần 1.000m2 là công sức tích lũy sau hơn 20 năm nuôi gà phải bán đi trang trải nợ nần. Lúc đó, bà xã tôi cũng ngăn cản quyết liệt vì sợ rằng nếu theo đuổi nữa gia đình sẽ lâm vào khánh kiệt”, ông Lý nhớ lại.
Lỡ đâm lao phải theo lao. Ngày đêm ông Lý miệt mài bên máy trộn thức ăn, cân đong, thêm bớt, tính toán tỷ lệ thảo dược trong từng bao cám… Đến năm 2018, niềm vui vỡ òa khi ông đã phối trộn thành công công thức phù hợp giữ cho gà phát triển đều, không bệnh tật, chất lượng thịt thơm hơn.
GẮN MÃ CODE TRUY XUẤT NGUỒN GỐC
Hôm chúng tôi đến thăm, ông Lý vừa đi giao 30 con gà ở Vũng Tàu về. Ông bảo, ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hàng, đám tiệc dừng hoạt động nên sức mua chậm hẳn. Trước đây, chủ yếu thương lái mua sỉ, giờ chủ yếu bán lẻ cho người dân trong tỉnh. Phun qua thuốc khử trùng, ông Lý dẫn chúng tôi tham quan một vòng trại gà. Trong trại hiện nuôi hơn 4.000 con nhưng chỉ nghe mùi cám, đinh lăng, sả, trần bì, quế… thoang thoảng. Ông Lý cho biết thêm, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm ông xuất chuồng 4 lứa, khoảng 20.000 con gà thịt. Với giá bán từ 80 ngàn đồng/kg gà trống và 90 ngàn đồng/kg gà mái, ước tính mức thu nhập của gia đình dao động từ 1,5-2 tỷ đồng/năm.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, ông Lý còn đăng ký thương hiệu riêng mang tên “Trại gà thảo mộc”. Mỗi con gà tại trại của ông đều được đeo vòng có mã code, chỉ cần dùng điện thoại quét vào tem, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và quy trình chăn nuôi thể hiện trên hình ảnh. Theo ông Lý, đây là cách ông bảo vệ thương hiệu sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tóc Tiên, ông Lý không chỉ là tấm gương nông dân sản xuất giỏi tại địa phương mà ông còn chan hòa, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức nuôi gà hiệu quả cho bà con trong xã. Hội Nông dân xã Tóc Tiên chọn mô hình nuôi gà thảo mộc của ông Lý đề cử về Hội Nông dân tỉnh bình xét gương nông dân sản xuất giỏi cho năm 2020.
Bài, ảnh: NGUYỄN NGA - HƯƠNG LAN