Ngành dầu khí đang phải chịu tác động kép từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu giảm sâu. Trong bối cảnh đó, để vượt qua khó khăn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã yêu cầu các đơn vị thành viên triển khai kế hoạch cho nhân viên làm việc luân phiên và tại nhà. Đồng thời, chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung - cầu, biến động giá của dầu thô, sản phẩm dầu khí để xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể.
Thực hiện nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội nên tất cả các chuyến bay của Vietsovpetro đã tạm hoãn qua ngày 15/4. Do đó, ca biển của một số CBCNV kéo dài hơn dự kiến. Trong ảnh: Người lao động Vietsovpetro làm việc trên giàn nén khí trung tâm. |
LÀM VIỆC TẠI NHÀ
Ông Hoàng Phúc Long, Phó Chánh Văn phòng Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), cho biết: Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từ ngày 1/4, Vietsovpetro tổ chức làm việc từ xa đối với nhân viên văn phòng. Theo đó, việc phân công và quản lý tiến độ làm việc từ xa theo hình thức trực tuyến tại mỗi phòng, ban do người đứng đầu phòng, ban đó chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất công việc, tiến độ của đơn vị, phòng, ban tổ chức cho nhân viên văn phòng làm việc luân phiên tại trụ sở và trực tuyến từ xa theo ca…
Riêng đối với những CBCNV làm việc tại các công trình sản xuất bờ và biển, do tính chất đặc thù nên không áp dụng làm việc từ xa được. Để hạn chế di chuyển, một số người làm việc trên các giàn khoan phải tăng ca làm việc từ 3 tuần lên 4 tuần, các nhà thầu cũng hạn chế ra giàn nếu không thực sự cấp thiết. Chính vì vậy, có những việc của nhà thầu đảm nhận thì các kỹ sư, công nhân trên giàn phải thay nhau gánh vác. Anh Nguyễn Trường Sơn, thợ điện Giàn nén khí trung tâm, Xí nghiệp Khai thác các Công trình khí (Vietsovpetro), cho biết: Thực hiện nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội nên tất cả các chuyến bay của Vietsovpetro đã tạm hoãn qua ngày 15/4. Do đó, ca biển của một số CBCNV kéo dài hơn dự kiến, nhiều anh em đã đi đủ 21 ngày, tuy nhiên, nay lại phải kéo dài thêm 15 ngày nữa.
Cũng từ ngày 1/4, Công ty PVD Tech áp dụng kế hoạch làm việc từ xa cho CBCNV. Theo đó, trong khoảng thời gian này, ban lãnh đạo công ty hạn chế tối đa các buổi làm việc trực tiếp và thực hiện các công việc điều hành tại nhà qua các kênh thông tin liên lạc trực tuyến. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo công ty có quyết định chỉ đạo và chỉ định địa điểm làm việc trên nguyên tắc tuân thủ triệt để quy định của Chính phủ và các bộ, ngành tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc trực tuyến, người lao động phải bảo đảm giữ liên lạc thông suốt trong thời gian được phân công trực, bằng các phương tiện, như: email, điện thoại. Trong trường hợp bắt buộc thay đổi khung giờ làm việc, thì phải chấp thuận của lãnh đạo cấp trên.
Nhiều đơn vị khác trong ngành, cũng đã đề ra phương án cho người lao động làm việc từ xa, nhằm bảo đảm sự an toàn sức khỏe cho cộng đồng trong mùa COVID-19. Tại Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), các cán bộ, nhân viên từ cấp Trưởng phòng trở lên, cán bộ y tế làm việc bình thường tại trụ sở Tổng Công ty. Những người khác triển khai làm việc trực tuyến tại nhà. Đối với đại diện của PVEP tại các dự án, chủ động triển khai các biện pháp làm việc cho cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở, phù hợp với tình hình tại địa phương.
Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng trong mùa dịch COVID-19, PV Gas cho CBCNV luân phiên nhau làm việc theo ca tại cơ quan. Trong ảnh: Người lao động PV Gas được yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. |
TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ, TIẾT GIẢM CHI PHÍ
Cùng với ảnh hưởng của COVID-19, hiện nay, ngành dầu khí đang chịu áp lực khi giá dầu xuống ở mức thấp, quanh mức 30 USD/thùng, giảm một nửa so với dự đoán. PVN dự kiến cả năm 2020 khai thác 8,8 triệu tấn dầu thô. Cộng với tình hình tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu giảm mạnh, ngành dầu khí rơi vào tình trạng doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác. Nếu giá dầu năm nay trung bình chỉ ở mức 30 USD/thùng, thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỷ USD, hệ lụy kéo theo là nộp ngân sách cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 800 triệu USD.
Trước những khó khăn này, PVN đã có chỉ thị yêu cầu toàn bộ tập đoàn và các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung - cầu, biến động giá của dầu thô, sản phẩm dầu khí, từ đó xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể để ứng phó. Ngoài tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí, PVN còn nghiên cứu đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất. PVN cũng cho biết chú trọng tăng cường hợp tác với các DN có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp, nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên, để cùng nhau vượt qua khó khăn. PVN cũng yêu cầu triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sáng kiến...
Tại PVEP, giải pháp đầu tiên được đơn vị triển khai quyết liệt là tối ưu chi phí vận hành - khai thác tại các dự án. Đồng thời, liên tục rà soát, chỉ triển khai các hạng mục thực sự cần thiết, có hiệu quả về mặt kỹ thuật, tạm thời dừng, giãn tiến độ các hạng mục chưa thực sự cấp bách. Bên cạnh đó, PVEP tối ưu hóa hạng mục duy tu bảo dưỡng, kết hợp tối ưu đổi ca nhân sự, tàu bè, trực thăng, giám sát chặt chẽ tiêu hao nhiên liệu, hóa phẩm, rà soát vật tư, thiết bị vận hành khai thác tồn kho, hạn chế tối đa mua sắm mới.
Về công tác đầu tư, PVEP đã phối hợp với nhà điều hành xem xét lại khả năng khoan các giếng thăm dò, thẩm lượng trong năm, tối ưu chi phí giếng khoan, đẩy mạnh tự thực hiện các nghiên cứu; tối ưu chi phí quản lý, nhân sự, rà soát chặt chẽ các chi phí tài chính bảo đảm cho hoạt động. Ngoài ra, PVEP cùng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, giải pháp tiết giảm chi phí, phấn đấu tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, tại Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas cũng đề ra các giải pháp, như: Tăng cường dự báo, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh LPG, giảm thiểu hàng tồn kho ảnh hưởng đến công tác vận hành, kết quả kinh doanh; Kiểm soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm các dự án trọng điểm, đưa vào hoạt động đúng tiến độ giai đoạn 2 dự án đường ống dẫn khí NCS2, điều chỉnh đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, cải hoán GPP Dinh Cố để tiếp nhận khí Nam Côn Sơn 2, hoàn thành trước 1/10/2020; kho chứa 1 triệu tấn LNG tại Thị Vải hoàn thành vào quý III/2022. Ngoài ra, PV Gas không ngừng phát triển mở rộng thị trường, thị phần tiêu thụ các sản phẩm. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu toàn PVN đạt 116.000 tỷ đồng, vượt 5,1% kế hoạch 2 tháng, nộp ngân sách Nhà nước 14.300 tỷ đồng vượt 9,3% kế hoạch 2 tháng. |
Theo lãnh đạo PVN, bên cạnh sự nỗ lực của tập đoàn, để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh vực dầu khí, để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân ure, thuế thu nhập DN áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ Tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò - khai thác dầu khí...
Bài, ảnh: PHAN HÀ