.

Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh: Tập trung vốn cho vay khôi phục sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 07:42, 23/04/2020 (GMT+7)

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp để chung tay tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tập trung hỗ trợ kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách.

 Bà Trần Thị Thu Huyền làm thủ tục trả lãi tại NHCSXH, Phòng giao dịch TP.Vũng Tàu sáng 22/4.
Bà Trần Thị Thu Huyền làm thủ tục trả lãi tại NHCSXH, Phòng giao dịch TP.Vũng Tàu sáng 22/4.

Sáng 22/4, bà Trần Thị Thu Huyền (Phường 3, TP. Vũng Tàu) đến NHCSXH, phòng giao dịch TP. Vũng Tàu làm thủ tục trả tiền lãi cho số tiền gia đình bà được vay tháng trước. Bà Huyền cho biết: Gia đình bà kinh doanh, buôn bán các mặt hàng hải sản ở 43, Hoàng Hoa Thám. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua tại cửa hàng chậm hẳn. Trước đây, trung bình mỗi ngày gia đình bà bán được 40-50kg hải sản, trong đợt dịch này, mỗi ngày chỉ bán được 10 kg. Trong thời gian giãn cách xã hội bà phải tạm đóng cửa 15 ngày.  Hàng bán chậm, ứ đọng lại không có vốn để xoay xở khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Trước thực này, tháng 3/2020, NHCSXH, phòng giao dịch TP. Vũng Tàu đã xét cho gia đình bà vay 40 triệu đồng. “Nhờ NHCSXH cho vay kịp thời nên gia đình tôi có vốn  để mở rộng mặt bằng, kinh doanh thêm vài mặt hàng khác, đồng thời mua thêm thiết bị để bảo quản hàng hóa”, bà Huyền chia sẻ.

Ông Trương Văn Mười, Phó Giám đốc NHCSXH, phòng giao dịch TP. Vũng Tàu cho biết: 3 tháng đầu năm, tổng doanh số cho vay tại đơn vị đạt 58,1 tỷ đồng cho 1.873 lượt hộ được vay vốn, tăng 29,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo NHCSXH tỉnh, một trong những đối tượng ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh COVID-19 chính là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, các hộ kinh doanh  nhỏ lẻ. Theo phản ánh của bà con nông dân, trong thời gian qua, nhiều mặt hàng nông nghiệp  sản xuất không tiêu thụ được, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.  Chẳng hạn như nghề nuôi dê. Những năm trước, các hộ nuôi dê ở Châu Đức, Xuyên Mộc là đầu mối cung cấp lượng thịt dê lớn cho các quán hàng trên địa bàn huyện, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các nhà hàng, quán ăn, điểm tiêu thụ thịt dê đóng cửa. Do vậy, do vậy dù đã đến thời kỳ xuất bán nhưng không có thương lái nào tới thu mua. Do đó, để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh phải chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác như bò, gà.

Vườn rau của gia đình ông Đoàn Văn Định (khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo) được đầu tư bằng nguồn vốn vay của NHCSXH.
Vườn rau của gia đình ông Đoàn Văn Định (khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo) được đầu tư bằng nguồn vốn vay của NHCSXH.

Trước thực trạng này, để giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, có nguồn vốn để  đầu tư  sản xuất, NHCSXH tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp hỗ trợ như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất. Theo đó, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh tại NHCSXH các địa phương nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại từng khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để đáp ứng kịp thời, không làm gián đoạn việc tiếp cận vốn vay của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị đã chủ động sắp xếp và phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch với NHCSXH tại các điểm giao dịch. Đồng thời chủ động phối hợp với UBND cấp xã, hội xây dựng phương án cụ thể cho các phiên giao dịch tại các xã. Nhờ đó, nguồn vốn vay đã kịp thời đến được với người dân.

Nhân viên NHCSXH tích cực đóng góp phòng chống dịch
Góp phần chung tay phòng chống dịch COVID-19, toàn thể nhân viên Chi nhánh  NHCSXH tỉnh ủng hộ 1 ngày lương. 8 công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn cơ sở tại Chi nhánh và phòng giao dịch cấp huyện đã đóng góp tổng cộng cộng 40 triệu đồng (mỗi công đoàn 5 triệu đồng) chuyển sang trung tâm y tế cấp huyện để mua dụng cụ phòng chống dịch.

Tính đến hết quý I/2020, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt hơn 254 tỷ đồng cho 7.730 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách  vay vốn. Riêng những món vay đến hạn trả nợ trong tháng 4/2020, chi nhánh thông báo cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ sang tháng 5 nhằm giảm bớt khó khăn và góp phần hạn chế đi lại trong thời điểm đang diễn ra dịch bệnh với số tiền 9 tỷ 694 triệu đồng/293 hộ. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh cũng thực hiện việc miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 và hạn hán, xâm ngập mặn qua tài khoản ngân hàng. Theo đó, khách hàng có thể nộp tiền mặt tại quầy giao dịch của NHCSXH tỉnh, phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố để chuyển tiền hoặc chuyển khoản từ tài khoản của khách hàng được mở tại NHCSXH.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
.
.
.