Nắng nóng kéo dài, cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Chủ Nhật, 26/04/2020, 21:17 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT đang được Tổng cục Lâm nghiệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao nhất, cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình này, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó và ngăn ngừa tình trạng cháy rừng xảy ra.

Lực lượng chức năng chữa cháy tại vụ cháy rừng Minh Đạm tháng 2/2020.
Lực lượng chức năng chữa cháy tại vụ cháy rừng Minh Đạm tháng 2/2020.

NGUY CƠ CHÁY CAO

Từ đầu mùa khô năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, gây thiệt hại 24,1ha rừng. Có thể kể đến các vụ cháy khá nghiêm trọng như: Vụ cháy rừng tại núi Minh Đạm (huyện Đất Đỏ) ngày 17/2 trên diện tích 17ha đã gây thiệt hại 5% rừng. 3 ngày sau, ngày 20/2, tại khu vực Núi Dinh, TP. Bà Rịa tiếp tục xảy ra một vụ cháy làm khoảng 1ha cây rừng bị lửa thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu được lực lượng kiểm lâm xác định do bị phá hoại, đốt rừng. Chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, trên địa bàn TP. Vũng Tàu đã xảy ra 3 vụ cháy khác: ngày 5/4, cháy đồi cỏ khu vực Bãi Dâu; ngày 6/4, cháy đồi 84 núi Nứa (Long Sơn) và mới đây nhất, ngày 22/4, hơn 7.000m2 cây phi lao, cỏ khô, cây bụi, dây leo… đã bị cháy ngay vùng đồi hẻm 405, Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo các chủ rừng, khó khăn hiện nay là các cánh rừng nằm ở khu vực đồi núi, địa hình phức tạp, nền nhiệt cao cùng với sức nóng của núi đá khiến diện tích rừng khô rất nhanh. Không chỉ dây leo, lớp thực bì, hiện một số diện tích cây thân gỗ cũng đã chết khô…

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (BTTN BC-PB) thuộc huyện Xuyên Mộc có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với tổng diện tích hơn 10.876ha, trong đó 684ha rừng có nguy cơ cháy và cháy cao nằm trên địa bàn các xã: Phước Thuận, Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu và thị trấn Phước Bửu. Theo ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Khu BTTN BC-PB, địa hình khu vực Khu BTTN BC-PB, hiện nay trong và ven rừng có nhiều hộ dân sinh sống, canh tác nương rẫy, trong quá trình đốt thực bì chăm sóc cây trồng đã vô tình làm cháy lan vào rừng. “Mặc dù khoảng hơn 1/2 khu rừng đã được xây dựng hàng rào bảo vệ rừng nhưng việc quản lý vẫn còn nhiều khó khăn, người dân chăn thả gia súc vào rừng thường đốt cỏ để cỏ tái sinh làm thức ăn cho gia súc gây ra cháy”, ông Quan nói.

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, phần lớn diện tích rừng ở BR-VT nằm ở khu vực có độ dốc cao, địa hình phức tạp. Xen kẽ với rừng là nương rẫy, nhà dân, chùa, tu viện; dưới những tán rừng chủ yếu là tre gai, cỏ đuôi chồn là những thực vật dễ cháy. Hầu hết các vụ cháy xảy ra gần đây ở những trảng cỏ, quần thể tràm nước... nhưng để chữa cháy địa phương có rừng và ngành kiểm lâm đã phải huy động hàng trăm lượt người để dập lửa và đề phòng lây lan ra diện rộng.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP PCCCR

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và Cục Kiểm lâm, nhiệt độ trung bình trong các tháng 5, 6, 7 năm 2020 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Trước tình hình này, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực chủ động tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Để chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2016-2020 cho biết, ngày 30/3, Chi cục Kiểm lâm ban hành Công văn số 184/CCKL-QLBVR về tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCCR. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 791,85ha diện tích đường băng cản lửa được hoàn thành, đạt 99,4% so với kế hoạch đã được giao; 27,7ha diện tích đường băng bao lô được đốt chủ động; 190,78ha diện tích được các chủ rừng đốt trước có điều khiển và 307,51ha diện tích đường băng được quét dọn. Hiện nay các địa phương đã xây dựng được 1.147 bảng, biển các loại phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR; 17 chòi canh lửa rừng; 4 trạm quan trắc, dự báo cháy rừng; 133 hồ, bể, đập, bồn chứa nước các loại, hầu hết các hồ, bể, đập đã được chứa đầy nước, bảo đảm phục vụ công tác chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, để PCCCR, các địa phương, đơn vị chủ rừng phải bảo đảm tổ chức thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCCR gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

Ngoài ra, các địa phương có rừng đã treo các băng rôn, khẩu hiệu tại các cửa ngõ ra vào rừng, công khai số điện thoại để người dân biết, báo cháy kịp thời. Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố và BQL rừng đã tổ chức tuyên truyền bằng hình thức thông qua các buổi họp xã, phường, thôn, ấp; tổ chức cấp phát 1.300 cuốn sổ tay và hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền PCCCR cho người dân. Đồng thời, vận động 2.890 đơn vị kinh doanh du lịch, quần chúng nhân dân sống trong, ven rừng ký cam kết thực hiện tốt các quy định bảo vệ rừng và PCCCR...

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.