Mua sắm online đã trở thành xu hướng chủ đạo của thị trường trong quý I/2020. Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thời gian qua, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, nhu cầu tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số thực phẩm đồ khô, thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn.
Nhân viên Lotte Mart Vũng Tàu kiểm tra các đơn hàng online của khách đặt trước khi giao. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
TĂNG KÊNH MUA SẮM TRỰC TUYẾN
Chọn các món đồ từ hàng thực phẩm, tiêu dùng, sức khỏe đến điện tử, tất cả các thao tác chỉ trong vài phút trên chiếc điện thoại thông minh, chị Lê Thị Thu Thảo (A2, chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) có thể ngồi ở nhà chờ người giao hàng mang đồ tới. Điều này rất tiện lợi, giúp chị không phải đi chợ hay siêu thị, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Trong thời điểm cả nước đang bước vào giai đoạn cam go phòng, chống dịch COVID-19, việc các đơn vị bán lẻ tập trung đẩy mạnh kênh bán hàng online đã giúp người tiêu dùng thuận lợi mua sắm mà không cần phải đến những nơi đông người, góp phần rất lớn trong việc khống chế dịch bệnh. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực phẩm đều triển khai chương trình bán hàng qua điện thoại hoặc đặt hàng qua ứng dụng, trang web, giảm tần suất đến siêu thị. Doanh số qua kênh bán hàng không tiếp xúc này được ghi nhận tăng mạnh, có nhà bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 10 lần so với ngày thường.
Mỗi ngày Lotte Mart Vũng Tàu nhận và giao hàng qua điện thoại và kênh mua sắm trực tuyến khoảng 50 xe hàng, tăng khoảng 7-8 lần so với trước đây. Trong ảnh: Nhân viên Lotte Mart Vũng Tàu nhận đơn hàng qua kênh mua sắm trực tuyến speedl.vn. Ảnh: VÂN ANH |
Cụ thể, hệ thống VinMart và VinMart+ đã đẩy mạnh các kênh bán hàng online để cung cấp hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi nhất đến khách hàng. Hiện tại, chuỗi bán lẻ này đang bán hàng trực tuyến qua 3 kênh: Website VinMart.com, mua hàng trên ứng dụng di động và đặt hàng qua điện thoại hay còn gọi là “đi chợ hộ”. Qua 3 kênh bán hàng trực tuyến này, tất cả nhu yếu phẩm cũng như các loại hàng hóa khác được giao hàng chỉ từ 2 giờ đồng hồ sau khi khách hàng lên đơn. Với hệ thống hơn 4.000 VinMart/VinMart+ và điểm bán MEATDeli, khách hàng ở bất cứ đâu cũng có thể đặt hàng trực tuyến, hạn chế được việc đi lại mà không lo thiếu hàng hóa.
Trong khi đó, 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.op Mart, Co.op Mart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile sẽ tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại kể từ ngày 16/3. Nhân viên siêu thị sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng (thực phẩm tươi sống; thực phẩm công nghệ thiết yếu; hóa phẩm). Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua Zalo, Viber, tin nhắn...) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà.
Còn Lotte Mart đã triển khai ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L để cung ứng thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng. Với ứng dụng này người tiêu dùng không cần trực tiếp đến siêu thị có thể mua sắm hàng hóa gồm cả thực phẩm tươi sống. Người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mặt khi giao hàng; thanh toán thông qua thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử…
THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Cũng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, nhiều DN thương mại điện tử đã đưa ra các giải pháp rút ngắn thời gian giao hàng, hoặc xa hơn, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sự tiện lợi và an toàn của người nhận. Nổi bật trong đó là dịch vụ điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh (Smart locker) của Lazada Việt Nam. Đây có thể coi là giải pháp “giao hàng không tiếp xúc” giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus. Theo đó, khi mua hàng trên Lazada, người nhận có thể lựa chọn phương thức độc đáo này và nhấn chọn điểm nhận hàng gần nhất được Lazada đề xuất. Khi hàng về “tủ”, sàn này sẽ gửi thông báo kèm mã OTP đến số điện thoại người dùng đã đăng ký. Người mua hàng mở khóa tủ bằng mã OTP và 4 số cuối điện thoại để lấy hàng mà không cần phải trực tiếp gặp gỡ người giao hàng.
Nhằm hỗ trợ cho DN ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bộ Công thương đang xây dựng “Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử” để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu; hỗ trợ DN ngành công thương ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới tăng năng suất quản lý và đẩy mạnh hoạt động của DN; thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CRM), phần mềm quản lý sản xuất, phần mềm quản lý và bán hàng thông minh, xây dựng trang Landing Page,... nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.
Trục kết nối dịch vụ thương mại điện tử (giai đoạn I) cũng đang được triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ của mình trên hệ thống này. Trục còn được kết nối với các sàn thương mại điện tử của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp DN, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2).
MINH HƯƠNG