Khó khăn bủa vây người nuôi cá lồng bè

Thứ Năm, 23/04/2020, 23:15 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng trăm tấn cá bớp, chim trắng, hàu… đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua khiến các hộ dân nuôi thủy sản lồng bè xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đang đứng ngồi không yên. Khó khăn còn chồng chất khi các khoản như lãi vay ngân hàng, thức ăn vẫn phải chi trả.

Đàn cá bớp của gia đình ông Trần Thanh Thảo hiện đã có trọng lượng từ 8-10kg/con song vẫn chưa bán được.
Đàn cá bớp của gia đình ông Trần Thanh Thảo hiện đã có trọng lượng từ 8-10kg/con song vẫn chưa bán được.

GIÁ RẺ NHƯNG KHÔNG AI MUA

Hơn 2 tháng nay, ông Trần Thanh Thảo (thôn 10, xã Long Sơn) đứng ngồi không yên vì 100 lồng bè nuôi cá chẽm, cá bớp đã tới kỳ xuất bán nhưng không có thương lái thu mua. Ông Thảo cho biết, từ năm 2011, ông đầu tư 200 lồng bè trên sông Chà Và và Mỏ Nhát, chủ yếu là nuôi cá bớp, cá chẽm, cá chim... Mỗi năm xuất bán hơn 50 tấn cá các loại, thu về khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các loại cá bắt đầu rớt giá mạnh. Nếu như cuối năm ngoái, cá bớp dao động khoảng 100.000-110.000 đồng/kg nay chỉ còn 70.000 đồng/kg, cá chẽm từ 180.000-220.000 đồng/kg nay chỉ còn 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dù giá giảm sâu nhưng người nuôi vẫn không bán được vì thương lái không thu mua. “Hiện hơn 10 tấn cá các loại đã tới kỳ xuất bán nhưng không có ai mua. Chúng tôi đã gọi điện thoại cho các mối quen nhưng họ trả lời do các nhà hàng chưa mở, họ cũng không biết tiêu thụ ở đâu. Chúng tôi đành chờ vậy”, ông Thảo nói. 

Ông Đậu Văn Toàn (tiểu khu 3, sông Chà Và) cho hay, cuối năm ngoái, ông vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư thêm 100 lồng cá. Theo tính toán của ông Toàn, nếu thuận lợi, đợt cá này thu hoạch xong, ông có thể trả một phần nợ ngân hàng và có tiền để đầu tư tiếp. Thế nhưng kế hoạch này đổ vỡ do cá tới kỳ xuất bán mà hàng quán đóng cửa, những thương lái trước đây thường đặt hàng để đưa đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh cũng không hẹn ngày trở lại. 

Không chỉ người nuôi cá, các hộ nuôi hàu cũng đang trong tình trạng tương tự khi giá hàu bị đẩy xuống chỉ còn 15-18.000 đồng/kg (trước đây 42.000 đồng/kg). Ông Bùi Văn Chính (tổ 1, thôn 7, xã Long Sơn) cho rằng, tuy nuôi hàu không tốn chi phí như nuôi cá nhưng với giá bán này, người nuôi cũng không có lãi. 

Trung bình mỗi ngày đàn cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tính  (thôn 10, xã Long Sơn) tiêu thụ hết hơn 1 tấn thức ăn.
Trung bình mỗi ngày đàn cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tính (thôn 10, xã Long Sơn) tiêu thụ hết hơn 1 tấn thức ăn.

CHI PHÍ TĂNG

Theo ông Trần Thanh Thảo, để giảm bớt chi phí, thay vì cho cá ăn 2 lần/ngày như trước đây thì nay ông chỉ cho ăn 1 lần/ngày. Dù đã giảm tối đa nhưng chi phí thức ăn vẫn lên tới con số 15 triệu đồng/ngày (trung bình 1 tấn/ngày). “Dù tiết giảm tối đa nhưng vẫn tốn gần nửa tỷ đồng để mua thức ăn cho cá mỗi tháng. Riêng cá chẽm nếu 1 ngày không cho ăn, đầu cá sẽ bắt đầu phình to dần ra, lúc đó dù thương lái thu mua trở lại cũng sẽ mất giá. Chưa kể, loại cá này nếu để quá lớn sẽ phá lưới và đi mất”, ông Thảo cho biết thêm. 

Tuy nhiên, điều mà các hộ nuôi lồng bè lo lắng nhất hiện nay là các khoản nợ cùng lãi suất ngân hàng ngày một tăng lên. Theo các hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Long Sơn, dù cá có bán được hay không, hàng tháng vẫn phải chi trả các khoản, như: lãi suất ngân hàng, chi phí thuê nhân công chăm sóc và trông coi lồng bè. Ngoài ra, những năm trước đây, các đại lý cám thường cung cấp trước, sau khi bán cá mới thu tiền. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung nên nhiều đại lý yêu cầu thanh toán tiền trước. Chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, giá cám cũng đồng loạt tăng lên 200-300 đồng/kg. Tuy giá tăng không nhiều, song tại thời điểm này nếu cộng dồn lại thì chi phí người nuôi cá bỏ ra cũng không hề nhỏ. 

Trước tình hình dịch bệnh, các nhà máy chế biến thủy hải sản tạm ngừng thua mua, bên cạnh đó các nhà hàng, quán ăn đóng cửa nên giá cả và sức tiêu thụ bị ảnh hưởng. Hiện Sở NN-PTNT đã có báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra đối với nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, Sở NN-PT-NT sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục về giãn nợ, giảm lãi suất, vay thêm vốn ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ, nhằm duy trì và tái đầu tư nghề nuôi cá lồng bè. Song song đó, Sở cũng tiến hành hướng dẫn, tư vấn các hộ nuôi trồng cần giảm mật độ nuôi trồng thủy hải sản trong gia đoạn này để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Về lâu dài, Sở PTNT tiếp tục triển khai, sắp xếp các cơ sở nuôi lồng bè như: tổ chức di dời và sắp xếp ổn định vị trí các bè nuôi trong vùng quy hoạch, tiếp tục đo đạc, lập bản vẽ cho các cơ sở nuôi nằm trong vùng quy hoạch. Đặc biệt, sớm hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản, để bà con có cơ sở tiếp tục vay vốn ngân hàng tái đầu tư.
(Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PT-NT)

Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT ngày 22/4, ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, hiện địa phương có gần 800 hộ nuôi thủy sản, trong đó có 533 hộ nuôi hàu và 243 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, sông Dinh và sông Rạng, chủ yếu là các loại cá, như: mú, chẽm, chim, bớp và hàu, sản lượng trung bình hàng năm khoảng 4.000 tấn. Do ảnh hưởng có dịch bệnh khiến việc tiêu thụ thủy sản tại địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, giá bị đẩy xuống thấp. UBND xã cũng đang ghi nhận tình hình khó khăn của các hộ nuôi để có ý kiến đề xuất tỉnh có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

 
;
.