Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón

Thứ Tư, 15/04/2020, 22:43 [GMT+7]
In bài này
.

Theo phản ánh của các DN sản xuất phân bón, hiện nay chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật thuế 71) bất hợp lý đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, trong khi đó nông dân cũng không được hưởng lợi trong suốt hơn 5 năm qua.

Sản xuất phân đạm tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Sản xuất phân đạm tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

CẢ DN VÀ NÔNG DÂN ĐỀU KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Tại Khoản 1 Điều 3, Luật Thuế 71, phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… là mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là DN sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa mua từ khâu sản xuất, thương mại bán ra. Ước tính từ khi thực hiện Luật Thuế 71 (năm 2015) thì giá thành phân đạm tăng trên 7%, phân DAP tăng gần 8%, phân supe lân tăng khoảng gần 7%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6,1%...  

Theo đánh giá của các DN sản xuất phân bón, trong quá trình thực hiện Luật Thuế 71 đã nảy sinh bất cập, đó là không những không tạo điều kiện cho nông dân được hưởng  giá phân bón thấp mà còn tăng sức ép đối với các DN sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều DN phân bón trong nước hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) có công suất 800.000 tấn urea/năm, 540.000 tấn amoniac/năm. Nhà máy sử dụng công nghệ của hãng Haldor Topsoe ( Đan Mạch) để sản xuất khí Amoniac và công nghệ sản xuất phân urê của hãng Snamprogetti (Italia). Đây là các công nghệ hàng đầu trên thế giới với dây chuyền khép kín, nguyên liệu chính đầu vào là khí thiên nhiên, không khí và đầu ra là ammoniac và urê.

Theo lãnh đạo PVFCCo, từ khi áp dụng Luật Thuế 71, khoản thuế mà DN không được khấu trừ so với trước đây lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào mà tổng số chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế GTGT là 300-370 tỷ đồng/năm. Như vậy, trong 5 năm (2015-2019) tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVFCCo là 1.637 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc đưa dây chuyền sản xuất NPK công nghệ hiện đại châu Âu vào hoạt động trong thời gian qua, số thuế không được khấu trừ sẽ còn tăng cao hơn.

Còn đại diện Công ty Phân bón Baconco  (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ) cũng cho biết, mỗi năm công ty này bị thiệt hại khoảng 1 triệu USD do không được khấu trừ thuế. Đây không chỉ là gánh nặng tài chính cho DN mà còn kéo theo việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước của công ty bị giảm sút,  từ mức 5,3 triệu USD/năm (thời điểm trước khi Luật Thuế 71) xuống còn 2,4 triệu USD/năm.

Trong khi đó, do không được khấu trừ thuế, DN buộc phải hạch toán vào giá thành sản phẩm, tăng từ 5-8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo. Kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, bởi đây là vật tư thiết yếu, chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí đầu tư.

SỚM ĐIỀU CHỈNH PHÙ HỢP

Trước thực trạng trên, ngày 13/4/2020, Bộ Công thương đã có văn bản số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính, đề nghị đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT từ 0-5%. Theo Bộ Công thương, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định theo hướng phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT để tháo gỡ khó khăn cho DN là cần thiết, nhất là trong thời điểm DN đang chịu khó khăn do tác động của một số chính sách và tác động của đại dịch COVID -19 như hiện nay.

Trước đó, theo ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến ngành phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một số DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài đã có công văn kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính,… và một số cơ quan khác về việc sửa đổi Luật Thuế 71, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 0% hoặc 5%.  

Theo phản ánh của các DN, trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng 0, nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra DN nộp cho nhà nước bằng 0 đồng, DN vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, làm giảm giá thành sản xuất và có cơ hội giảm giá phân bón trên thị trường. Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra DN nộp cho Nhà nước và DN vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào. Cả hai trường hợp trên thì cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu chịu mức thuế suất thuế GTGT như nhau, tạo bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

;
.