.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Không để nảy sinh tình trạng "ngâm" hồ sơ

Cập nhật: 21:29, 24/04/2020 (GMT+7)

Hiện nay, số diện tích đất trên địa bàn tỉnh được cấp GCNQSDĐ đạt hơn 98%. Đây là tỷ lệ khá cao, cho thấy sự nỗ lực của ngành TN-MT và các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cấp GCNQSDĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vướng tranh chấp, đất không rõ nguồn gốc, đất sử dụng sai mục đích... và vướng về chính sách. Ngành TN-MT đang tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tỷ lệ cấp giấy đạt 99,5% trong năm 2020. 

Bộ phận một cửa TP. Vũng Tàu tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ của người dân.
Bộ phận một cửa TP. Vũng Tàu tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ của người dân.

CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

Trong đợt giám sát việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 3 vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành TN-MT và các địa phương trong việc  rút ngắn các thủ tục hành chính về đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoàn tất các thủ tục cấp giấy cho các cá nhân và tổ chức, qua đó đạt được tỷ lệ cấp giấy cao. Cụ thể, trong giai đoạn từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019, tỷ lệ cấp giấy đạt từ 98,17-99,25%. Hiện còn hơn 519ha chưa cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức; 1.901ha đất chưa cấp cho hộ gia đình, cá nhân.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, gần 1% diện tích đất chưa cấp cho các tổ chức là do các tổ chức, đơn vị sự nghiệp đang sử dụng chưa có quyết định giao đất và sắp xếp tài sản công theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Gần 2% diện tích đất còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân là do những khó khăn, vướng mắc như: Một số chính sách pháp luật đất đai không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nguồn gốc đất phức tạp, chồng lấn; đất tranh chấp; việc xác định đơn giá tính tiền sử dụng đất giữa cơ quan thuế và ngành TN-MT kéo dài... Ngoài ra, mỗi địa phương lại tồn tại những khó khăn, bất cập khác nhau. Cụ thể, tại TP. Vũng Tàu, ngoài những bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai, phần lớn diện tích rừng trên địa bàn TP. Vũng Tàu chưa được đo đạc, cắm mốc, do đó thành phố không xác định được đâu là đất rừng, đâu là đất ở để khoanh vùng cấp GCNQSDĐ cho dân.

Một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong cấp GCNQSDĐ là huyện Châu Đức. Theo báo cáo của UBND huyện Châu Đức, tính đến nay, tổng diện tích đã được cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện  hơn 35,914ha, đạt tỷ lệ hơn 98%. Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua công tác cấp GCNQSDĐ được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành của huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được kết quả khá tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định. Tuy nhiên, việc tiến hành tổ chức kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ lần đầu cũng như tiến độ giải quyết việc đăng ký, cấp giấy GCNQSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do phần diện tích đất còn lại chưa đăng ký cấp GCNQSDĐ phần lớn là những thửa đất nông nghiệp có diện tích nhỏ, giá trị đất không cao nên người dân ít quan tâm kê khai, đăng ký và lập hồ sơ cấp theo quy định. “Ngoài ra, hiện nay một số khu vực trên địa bàn huyện còn vướng mắc về ranh giới sử dụng đất giữa các tổ chức với hộ gia đình, cá nhân nhưng chưa được xác định cụ thể để có cơ sở xem xét cấp GCNQSDĐ (đặc biệt là khu đất giáp ranh rừng phòng hộ của xã Suối Rao, Sơn Bình và Xuân Sơn); có một số khu vực người dân đang sử dụng đất trong khu dân cư của các nông trường Cao su Bà Rịa chưa được cấp GCNQSDĐ do đơn vị đang trong quá trình chuyển giao lại cho địa phương quản lý...”, ông Dinh nói.

Mô hình văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp giúp rút ngắn thời gian, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người dân. Ảnh: QUANG VŨ
Mô hình văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp giúp rút ngắn thời gian, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người dân.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP GCNQSDĐ

Theo Đoàn giám sát ĐBQH, việc cấp GCNQSDĐ là để tăng cường quản lý Nhà nước về sử dụng đất và tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Việc còn tồn đọng một phần diện tích đất, nhà ở chưa được cấp GCNQSDĐ đồng nghĩa với việc còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất; ngân sách sẽ tiếp tục thất thu, còn người dân gặp nhiều khó khăn do phải chờ cấp GCNQSDĐ. Do đó, cần có những chế tài, quy trách nhiệm của từng bộ phận trong việc chậm trễ cấp GCNQSDĐ. 

Theo báo cáo của Sở TN-MT, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là hơn 197.678 ha, trong đó diện tích đất cần cấp GCNQSDĐ là hơn 173.093 ha. Tính đến đầu năm 2020, diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ cho tổ chức là 68.762,97ha (đạt tỷ lệ 99,25% tổng diện tích cần cấp); diện tích đất đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân tính đến hết năm 2019 là 101.910,01ha (đạt tỷ lệ 98,17% tổng diện tích cần cấp). 

Ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm, ngay từ đầu năm 2020, Sở TN-MT đã yêu cầu CBNV tập trung giải quyết hồ sơ đúng hạn, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ quá hạn, đặc biệt là tình trạng “ngâm” hồ sơ thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đã áp dụng phần mềm Vilis 2.0 để xử lý thông tin địa chính tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện; sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng để liên thông thông tin địa chính giữa cấp huyện và cấp tỉnh, in thông tin và GCNQSDĐ, rút ngắn thời gian cấp giấy cho các DN, tổ chức và nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Ngành TN-MT phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai để người dân biết; hoàn thành việc điều chỉnh biến động đất đai; rà soát và lập thủ tục cấp giấy CNQSD đất cho những trụ sở cơ quan chưa được cấp… để đạt được mục tiêu cuối năm 2020 tỷ lệ cấp giấy CNQSD đất đạt 99,5%.

 

Theo ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (Sở TN-MT), để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất còn lại, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, phân loại, thống kê các thửa đất đang sử dụng nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ; xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, những khó khăn vướng mắc trong việc cấp GCNQSDĐ ở từng địa phương và đề xuất biện pháp giải quyết cụ thể. Đồng thời, Sở TN-MT đang khảo sát, đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới đất rừng nằm ngoài quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng làm cơ sở phân định ranh giới đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý và đất do người dân sử dụng; hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và thực hiện các thủ tục lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ theo quy định.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.