Sáng 28/4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị đã tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2019. BR-VT đã vươn lên xếp vị trí thứ 10 của cả nước. Mặc dù ở top đầu nhưng BR-VT vẫn đặt mục tiêu cải thiện chỉ số hài lòng của người dân; tiếp tục nâng cao các chỉ số thành phần.
Sự hài lòng của người dân là thước đo của sự thành công trong việc thực hiện nâng cao chỉ số PAPI. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP. Vũng Tàu. |
TĂNG 20 BẬC SO VỚI NĂM 2018
PAPI là bộ chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công dựa trên đánh giá của người dân. Chỉ số PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hỗ trợ cộng đồng MTTQVN, Chương trình phát triển LHQ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp thực hiện.
Từ năm 2011 đến nay, PAPI đã chính thức được thực hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố và được đánh giá là khách quan, khi đối tượng khảo sát hoàn toàn ngẫu nhiên, dưới nhiều hình thức trả lời câu hỏi khác nhau. Nội dung đánh giá gồm 6 chỉ số thành phần: Tham gia của người dân tại cấp cơ sở; công khai minh bạch trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. 2 năm gần đây (năm 2018 và 2019), PAPI bổ sung thêm 2 chỉ số thành phần nữa gồm: chỉ số quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tổng số điểm tối đa để đánh giá chỉ số PAPI là 80 điểm.
Theo Sở Nội vụ, BR-VT từng được xếp thứ 2 của cả nước về chỉ số PAPI vào năm 2011, xếp thứ 5 vào năm 2017 nhưng cũng có những năm chỉ số PAPI của BR-VT giảm mạnh xuống vị trí thứ 27 (năm 2016); vị trí thứ 30 (năm 2018)… Năm 2019, BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa chỉ số PAPI tăng lên 20 bậc, xếp hạng thứ 10 trong tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước. Theo báo cáo chi tiết về PAPI cấp tỉnh năm 2019, tình hình nhũng nhiễu trong cả nước ở các lĩnh vực y tế, giáo dục tiểu học công lập và tham nhũng trong khu vực công có chiều hướng giảm. Người dân hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản. Các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã, phường tăng lên. Tuy nhiên, người dân cho rằng, vẫn còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân…
TIẾP TỤC NÂNG CAO CHỈ SỐ PAPI
Để có được kết quả trên, ngay sau khi công bố chỉ số PAPI năm 2018, tháng 5/2019, UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương về việc triển khai giải pháp nâng cao chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2019 và các năm tiếp theo. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đều có kế hoạch đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian giải quyết các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp… Mục tiêu chung của tỉnh là tập trung cải thiện 8 nội dung đánh giá của chỉ số PAPI. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các nội dung có điểm số chưa đạt mức trung bình cao; giữ vững và phát triển các nội dung được đánh giá thực hiện khá tốt trong thời gian qua.
Trong các phân tích về chỉ số PAPI năm 2019, tại BR-VT, 2 nội dung mới là quản trị môi trường và quản trị điện tử, người dân vẫn đánh giá ở mức thấp so với mặt bằng chung cả nước. Trong 8 chỉ số thành phần có 6 chỉ số thành phần tăng điểm; 2 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2018 gồm chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân và chỉ số quản trị môi trường.
Theo bảng tổng hợp chỉ số PAPI năm 2019, BR-VT đạt 45,25 điểm, xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2018. Bến Tre là địa phương có tổng điểm cao nhất với 46,74 điểm. Còn Bình Định vẫn ở vị trí cuối bảng với 40,84 điểm.
|
Ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, với 2 chỉ số thành phần giảm điểm, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả tương tác, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, tiếp cận dịch vụ tư pháp… Về quản trị môi trường, cần thêm các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường sống (đất, nước, không khí…) và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, để cải thiện mức độ công khai, minh bạch ở những nội dung PAPI đo lường theo hướng bền vững thì các cấp chính quyền địa phương cần tìm ra những phương thức chia sẻ thông tin phù hợp. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, thông tin về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù thu hồi đất cần được niêm yết trên cổng thông tin điện tử cấp tỉnh, cấp huyện. Ở cấp xã/phường, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng bảng tin ở UBND xã/phường/thị trấn, tờ tin hoặc loa truyền thanh ở cấp thôn/tổ dân phố... Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần phải tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, tạo điều kiện cho người dân tham gia đối thoại tại cơ sở, góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân; công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai quy chế dân chủ cơ sở…
Bài, ảnh: QUANG VŨ