Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 8,55 tỷ USD
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý I/2020, cả nước có 758 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân vốn đăng ký mới tăng là do trong quý I/2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Về vốn điều chỉnh, có 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị vốn góp gần 2 tỷ USD, tăng 53% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn đầu tư giải ngân vẫn ở mức khá, đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý I/2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo, là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 682 triệu USD và 264 triệu USD.
Về đối tác đầu tư, trong quý I/2020, có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Về địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, trong đó, Bạc Liêu là tỉnh thu hút vốn FDI nhiều nhất. Tiếp đó là TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh.
DIỆP DIỆP