.
GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Không có "vùng cấm" trong phòng, chống tham nhũng

Cập nhật: 06:25, 26/03/2020 (GMT+7)

Chiều 25/3, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh BR-VT”. Dự và chủ trì Hội thảo có các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lương Trí Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm 
Để công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” trong thời gian tới đạt hiệu quả, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường hệ thống pháp luật trong kiểm soát tài sản, thu nhập theo tinh thần Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của đội ngũ CBCC. Nâng cao tinh thần thực hiện kỷ luật, kỷ cương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành cần quan tâm khơi gợi phẩm chất, đạo đức công vụ, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ CBCCVC. Qua đó chăm lo đời sống cho CBCCVC ngày một tốt hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

THAM NHŨNG LÀM GIẢM NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÂN

Báo cáo tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, luôn gắn liền với quá trình thực hành quyền lực Nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chúc vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” và mức tiền, tài sản thấp nhất để xác định dấu hiệu của tội này là 2 triệu đồng, nhưng Luật không xác định hành vi “tham nhũng vặt”, do đó không định được khung chế tài. Trong khi đó, “tham nhũng vặt” lại là hành vi diễn ra hằng ngày trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội. Hành vi này làm mất niềm tin của người dân vào những giá trị xã hội, vào Đảng, Nhà nước; hủy hoại phẩm chất CBCC và làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực phát triển và hội nhập.

Tại tỉnh BR-VT, công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” luôn được Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với quan điểm: “phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách”,  thời gian qua, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nghị quyết, chương trình, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo và thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý.  

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng các đại biểu tham dự Hội thảo cũng chỉ ra rằng công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ông Trần Văn Vui, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu, cử tri, Nhân dân trong tỉnh đặt vấn đề về tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Điều này cho thấy tham nhũng vặt không dừng lại ở các dự án lớn, dự án kinh tế ở cấp cao mà đã và đang tồn tại ngay ở cấp cơ sở, xảy ra phổ biến, gần như trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. “Đặc trưng của tham nhũng vặt là giá trị vật chất thường không lớn, thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng vặt đã góp phần không nhỏ làm thất thoát tài sản, công sức của Nhà nước, quyền lợi, vật chất của nhân dân, làm suy yếu cơ quan công quyền. Đồng thời là nguyên nhân phát sinh, điều kiện cấu thành các tội phạm về tham nhũng được quy định tại Bộ luật Hình sự”, ông Trần Văn Vui nói.

Về nguyên nhân xảy ra tình trạng tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”, các đại biểu chỉ ra rằng xuất phát từ nhận thức chủ quan ở các cấp lãnh đạo vì nghĩ rằng bồi dưỡng ít tiền để CBCC làm việc thuận lợi hơn cũng không vấn đề gì lớn. Theo ông Võ Huy Hoàng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, ngoài nguyên nhân này thì cũng còn có nguyên nhân do chính sách pháp luật của một số ngành vẫn còn kẽ hở và đây là điều kiện để một bộ phận CBCC thực hiện hành vi “tham nhũng vặt”. Việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chưa nghiêm, mang tính hình thức.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Từ tồn tại, hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” tại địa phương trong thời gian tới, ông Huỳnh Bách Chiến, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về việc tham gia phát hiện và tố cáo tham nhũng ở mọi cấp độ và gắn với việc biểu dương, khen thưởng những người dũng cảm tố giác, phát hiện. Có cơ chế bảo vệ danh dự, tính mạng cá nhân và gia đình những tấm gương dũng cảm tố giác, phát hiện. Tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để định hướng nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các vụ việc, vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm xảy ra trên địa bàn. 

Cũng nói về các giải pháp phòng, chống tham nhũng, ông Đỗ Văn Bửu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề xuất: UBKT các cấp cần chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang… Qua kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những trường hợp đảng viên có hành vi tham nhũng, với tinh thần, không có “vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền…”.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sang, Cục phó Cục Hải quan tỉnh, nhằm phát hiện, xử lý “tham nhũng vặt”, cơ quan tiến hành kiểm tra cần tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính khách quan, trung thực, công khai, dân chủ kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thành viên của đoàn kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, có bản lĩnh chính trị, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công khai minh bạch, khách quan. Về hình thức kiểm tra phải kết hợp giữa kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu công tác hoặc theo thông tin tố cáo và tự kiểm tra. Phải xác định được các hành vi có thể được sử dụng để thực hiện tham nhũng vặt.

Ông Ngô Phước Thành, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thì cho rằng, giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng là luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức trong toàn ngành. Chú ý chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức công tác ở lĩnh vực thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, DN; những công chức có dư luận không tốt, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, để tồn đọng nhiều hồ sơ hành chính. 

Bài, ảnh: THÀNH MỸ

.
.
.