Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, BR-VT đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường hơn. Theo đó, thời gian qua, tỉnh từng bước có những chính sách, xây dựng chiến lược mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tạo ra giá trị kinh tế lớn.
BR-VT có hạ tầng đồng bộ, hệ thống cảng nước sâu hiện đại giúp các DN lưu thông hàng hóa thuận lợi. Trong ảnh: Tàu hãng Maersk Line thuộc liên minh 2M cập Cảng quốc tế Cái Mép tháng 2/2020. Ảnh: TRÀ NGÂN |
NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC
Ngày 19/1, tàu No.7 SJ Gas (quốc tịch Hàn Quốc) chở 1.700 tấn nguyên liệu Polypropylene đã cập cảng Hyosung Vina Chemicals (thuộc Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina). Đây là chuyến tàu đầu tiên chở nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Với việc tàu chở nguyên liệu cập cảng để chạy thử và sau đó chính thức sản xuất, chủ đầu tư đã đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Theo đó, từ tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung. Dự án có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được cấp phép hoạt động trong các KCN của tỉnh với mục tiêu sản xuất Polypropylene, Ethylene, Propylene... từ nguyên liệu đầu vào là khí hóa lỏng và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với sức chứa 240.000 tấn. Ông Cha Kyong Yong, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sản xuất dự án này cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư, dự án được khởi công vào tháng 1/2019. Đến nay, các chuyên gia, cán bộ đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng để chuẩn bị vận hành nhà máy trong tháng 3 này. Đây là một trong những dự án có tiến độ triển khai rất nhanh, chỉ trong vòng hơn một năm chủ đầu tư đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, với số tiền giải ngân gần 1 tỷ USD. Theo đó, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đóng góp vào ngân sách hàng năm cho BR-VT khoảng 100 triệu USD.
Các KCN của BR-VT được đầu tư hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón nhà đầu tư thứ cấp. Trong ảnh: Một góc KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ. Ảnh: ĐINH HÙNG |
Tập đoàn Hyosung vào thị trường Việt Nam từ năm 2007, hiện đã có 9 nhà máy tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai). Các nhà máy này cung cấp các loại vật liệu đầu vào: Steel cord, Tire cord cho các Tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như Goodyear, Yokohama, Michellin và sợi Spandex cho Adidas, Nike, Puma… Đến nay, Tập đoàn Hyosung đã trở thành một trong những nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất ở Việt Nam với nhiều dự án quan trọng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Ngoài Hyosung, hiện nay dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD do Tập đoàn SCG (Thái Lan) tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo kế hoạch, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, tuy nhiên SCG đang nỗ lực để đưa dự án đi vào hoạt động trước 1 năm. Dự án được kỳ vọng thu hút khoảng 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại, đồng thời đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm.
SCG là tập đoàn kinh doanh hàng đầu hoạt động từ năm 1913 tại Thái Lan, tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, bao gồm xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Hyosung, SCG là 2 trong số rất nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào BR-VT trong thời gian qua, góp phần nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại BR-VT lên tới 469 dự án với vốn đăng ký hơn 31 tỷ USD (tính đến tháng 2/2020). Theo vốn đăng ký, hiện Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đạt 4,5 tỷ USD; Canada đứng thứ nhì, đạt hơn 4,2 tỷ USD, tiếp đó là Thái Lan 3,8 tỷ USD… Nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn về công nghiệp, cảng biển, du lịch, dịch vụ, thương mại… góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước và tạo thêm việc làm.
XÁC LẬP MỤC TIÊU MỚI
Với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, BR-VT đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, áp dụng công nghệ cao. Trong đó công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 5 trụ cột kinh tế mà BR-VT phấn đấu thực hiện trong quá trình phát triển. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng , BR-VT được đánh giá đang ở thời điểm vàng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá trong những năm tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh đang nỗ lực hết mình để kiến tạo, xây dựng một môi trường đầu tư tốt nhất, tích cực nhất; quyết tâm gỡ bỏ các yếu tố trì trệ, nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức; tiếp tục kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi, lựa chọn công tâm, có trách nhiệm những DN, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư những dự án lớn, tạo sức lan tỏa trên 5 mũi nhọn kinh tế.
Theo Sở KH-ĐT, BR-VT hiện chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước và đang đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn FDI. Suất đầu tư FDI tại BR-VT có quy mô khá cao, trung bình đạt 86,7 triệu USD/dự án. Đồng thời, thu hút đầu tư tại BR- VT cũng gắn liền với thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, huy động mạnh mẽ các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển. |
Với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, BR-VT đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín. Bằng chứng là trong những năm gần đây, các dự án đầu tư vào BR-VT đều tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh, đáp ứng các tiêu chí thu hút đầu tư của địa phương và trở thành động lực để tỉnh tự tin bứt phá trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tham gia nghiên cứu, triển khai các dự án: Núi Dinh, Safari, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án đầu tư: Khu đô thị Bàu Trũng, Khu du lịch mũi Nghinh Phong, Khu du lịch Marina City - Tuần Châu, khu đô thị Gò Găng…
Dự án Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc) - tổ hợp du lịch có vốn đầu tư FDI của Hoa Kỳ lớn nhất tại Việt Nam, do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (HTP) làm chủ đầu tư. Trong ảnh: Du khách thưởng thức buffet tối tại The Grand-Hồ Tràm Strip. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Để thực hiện hóa mục tiêu này, giải pháp chủ yếu được tỉnh đặt ra là tập trung rà soát quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật như lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2025; quy hoạch logistics (dọc theo tuyến Quốc lộ 51 và sông Thị Vải) và quy hoạch du lịch dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Long Hải-Phước Hải-Hồ Tràm-Bình Châu; rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, BR-VT rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các CCN có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải... Mặt khác, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển dịch vụ logistics, kho vận đáp ứng cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng. Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tích cực, thuận lợi; thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư.
MINH AN