Thông tư 90/2019/TT-BTC: Chưa tạo sức hút cho cảng biển

Thứ Sáu, 13/03/2020, 00:25 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 90/2019/TT-BTC có quy định bỏ ưu đãi phí và lệ phí hàng hóa đối với tàu trên 50 ngàn DWT vào khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về vấn đề phát triển logistics và cảng biển trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 2 vừa qua, các DN cảng biển phản ánh, quy định này sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút các hãng tàu về BR-VT làm hàng.

Việc thu phí cao làm ảnh hưởng đến lượng tàu cập cảng tại khu vực CM-TV. Trong ảnh: Tàu trọng tải 80 ngàn DWT cập Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái.
Việc thu phí cao làm ảnh hưởng đến lượng tàu cập cảng tại khu vực CM-TV. Trong ảnh: Tàu trọng tải 80 ngàn DWT cập Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái.

TÀU TRỌNG TẢI 14 NGÀN DWT TĂNG 15.000 USD/CHUYẾN 

Theo Sở GT-VT, giai đoạn 2013-2015, việc thu hút các hãng tàu về cụm cảng CM-TV gặp nhiều khó khăn. Do đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ GT-VT, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 261/2016/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư 261). Theo Thông tư 261, phí và lệ phí hàng hải áp dụng cho các tàu trọng tải trên 50 ngàn DWT khi cập CM-TV được giảm 40% so với mức phí tại các khu vực khác và áp dụng đến hết 31/12/2020.

Dù đã điều chỉnh giảm các chi phí cập cảng cho các tàu trên 50 ngàn DWT, tuy nhiên,  theo đại diện các hãng tàu,  mức phí tàu làm hàng ở các cảng Việt Nam, trong đó có CM-TV vẫn cao, chưa đủ cạnh tranh với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… Đơn cử như, một chuyến tàu trọng tải 75 ngàn  DWT vào làm hàng ở CM-TV phải đóng tổng các loại phí hơn 15 ngàn USD/chuyến, trong khi ở các cảng Hongkong và Singapore chỉ tốn hơn 3.000 USD và 6.000 USD/chuyến. Điều này khiến sức cạnh tranh của các cảng ở khu vực CM-TV không hấp dẫn bằng những cảng khác trong khu vực.

Trong khi các DN cảng đang lo lắng về sức cạnh tranh do mức chi phí cập cảng cao thì cuối năm 2019 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 90/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 261 và Thông tư 17/2017/TT-BTC. Thông tư 90 có hiệu lực kể từ 1/3/2020. Theo đó, tại mục 4, điều 1, Thông tư 90 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 261 có quy định rõ các mức ưu đãi về phí trọng tải và phí bảo đảm hàng hải áp dụng cho cụm cảng CM-TV sẽ áp dụng đến hết 31/12/2020. Kể từ 1/1/2021, các mức phí này tại CM-TV sẽ áp dụng như các khu vực cảng khác. Và theo mức phí mới, một chuyến tàu trọng tải 140 ngàn DWT vào làm hàng ở CM-TV phải đóng tổng các loại phí lên đến 37.520 USD/chuyến, tăng 15 ngàn USD/chuyến; trong khi ở các cảng Thái Lan và Malaysia chỉ tốn 26.500 USD và 17.311 USD/chuyến. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho rằng: Đây là mức phí rất cao và kém hấp dẫn, có thể dẫn đến rủi ro các hãng tàu rút tuyến ở CM-TV và tiếp tục trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tại các trung tâm trung chuyển khác như Tanjung Pelepas, Laem Chabang…

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Cảng TCCT cho biết thêm: Khó khăn hiện nay tại cụm cảng CM-TV là luồng hàng hải chưa được nạo vét bảo đảm chuẩn tắc, nay thêm việc tăng lệ phí hàng hải thì sẽ thêm 1 điểm trừ khiến các hãng tàu e ngại trong việc chọn CM-TV là điểm đến cho các tuyến dịch vụ mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

CẦN GIẢM PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI CHO TÀU DƯỚI 50 NGÀN DWT

Ngoài tàu trọng tải trên 50 ngàn DWT, hiện tàu trọng tải dưới 50 ngàn DWT đang phải gánh trả mức phí khá cao, từ 7.772 USD/ chuyến nếu cập cảng CM-TV, cao hơn 2.218 USD/ chuyến so với cảng Leam Chabang và 2.518 USD /chuyến so với cảng Tanjung Pelepas. Đây cũng là một trong những yếu tố chưa tạo sức hấp dẫn để hãng tàu cân nhắc đưa các tàu gom hàng feeder vào CM-TV để trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Theo các hãng tàu, tại các nước như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Mỹ thường có chính sách khuyến khích các hãng tàu đưa thêm nhiều tàu vào khai thác ở cảng của mình với mức sản lượng nhất định. Nếu vượt mức sản lượng, hãng tàu sẽ được cảng, chính quyền cảng, nhà nước sở tại giảm 30% tiền phí mà hãng tàu phải chi trả, điều đó đã khuyến khích các hãng tàu đưa thêm tàu vào hoạt động.

Do đó, việc điều chỉnh phí, lệ phí hàng hải ở mức thích hợp sẽ thu hút nhiều tàu vào làm hàng tại các cảng biển Việt Nam nói chung, cụm cảng CM-TV nói riêng, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các cảng biển Việt Nam với một số cảng các nước trong khu vực.

Trước kiến nghị của các DN, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Nhằm thu hút nhiều tàu trên 100 ngàn DWT vào cảng CM-TV, tới đây HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi mục 4, điều 1, Thông tư 90 và tiếp tục áp dụng mức ưu đãi hiện nay trong những năm tới, kể từ 1/1/2021. Mặt khác, đề xuất Bộ Tài chính, Bộ GT-VT xem xét áp dụng mức ưu đãi giảm 40%-50% về phí và lệ phí hàng hải đối với các tàu kích cỡ dưới 50 ngàn DWT nhằm khuyến khích các hãng tàu đưa tàu con gom hàng từ các nước về trung chuyển tại CM-TV.

Trước những kiến nghị của các DN cảng, ông Nguyễn Hữu Hùng Trường, chuyên viên phụ trách cảng và logistics Sở GT-VT, thành viên đoàn giám sát nêu quan điểm: “Việc tiếp tục giữ nguyên mức phí với tàu trên 50 ngàn DWT và giảm 40% cho tàu dưới 50 ngàn DWT sẽ làm thất thu một khoản nhất định trong thời gian đầu, nhưng trong chiến lược dài hạn, các chính sách ưu đãi như vậy sẽ thu hút nhiều tuyến dịch vụ hơn vào cụm cảng CM-TV, kéo theo nhiều tuyến hàng trung chuyển vào và khi đó phí giảm nhưng bù lại sẽ nhiều tàu, hàng hóa nhiều sẽ tăng nguồn thu”.

Bài, ảnh: CẨM ANH

;
.