Từ ngày 1/1, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt điều chỉnh đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Mặc dù việc áp dụng đơn giá mới đang gây ra một số ý kiến trái chiều từ người dân, nhưng UBND tỉnh khẳng định, áp dụng đơn giá mới giai đoạn 2020-2023 là việc cần thiết, bởi đã 15 năm tỉnh chưa thay đổi đơn giá; đồng thời để bảo đảm công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường.
Việc điều chỉnh tăng giá thu gom rác sinh hoạt là để phù hợp với thực tế sau 15 năm tỉnh áp dụng đơn giá cũ. Trong ảnh: Đơn vị thu gom rác thải khu vực nông thôn xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ). |
NẾU TĂNG GIÁ PHẢI THAY ĐỔI CÁCH THU GOM RÁC
TP. Vũng Tàu là địa phương có nguồn rác thải sinh hoạt lớn nhất trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn. Trước đây, tiền thu gom rác sinh hoạt trong khu dân cư do các hộ dân tự thỏa thuận với đơn vị thu gom với mức giá 30.000 đồng/hộ/tháng và 10.000 đồng/phòng trọ/tháng. Từ ngày 1/1/2020, TP. Vũng Tàu cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đồng loạt áp dụng đơn giá mới 50.000 đồng/hộ/tháng và 25.000 đồng/phòng trọ/tháng.
Qua khảo sát một số hộ dân tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, không phải ai cũng đồng thuận với việc tăng giá thu gom rác của ngành chức năng. Chị Nguyễn Thị Ngân đang thuê phòng trọ ở hẻm 66, Bến Nôm, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu, cho biết: “Chúng tôi đi làm suốt ngày, lượng rác thải ra từ các phòng trọ không nhiều, do đó việc tăng giá tiền thu gom, vận chuyển rác gần gấp 2 lần mức cũ là hơi cao”.
Một số hộ dân khác thì cho rằng, hiện nay tình trạng thu gom rác chưa được các đơn vị thu gom rác thực hiện tốt. Vẫn còn tình trạng rác ít thì gom, hôm nào lỡ gia đình nào có phát sinh lượng rác lớn nếu không năn nỉ, nhờ vả, thậm chí không chi thêm tiền thì họ bỏ lại. Do đó, nếu tăng giá tiền thì phải thay đổi cách thu gom rác.
Theo phản ánh của các hộ thu gom rác trong khu dân cư, với mức giá hiện nay 50.000 đồng/hộ/tháng vẫn chưa thỏa đáng vì từ cuối năm 2019 họ phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để chuyển đổi phương tiện thu gom từ xe tự chế sang xe chuyên dụng. Hơn nữa, chi phí để vận hành xe chuyên dụng cũng cao gấp 4-5 lần so với xe tự chế.
Nhiều người dân đồng thuận việc tăng giá thu gom rác vì 15 năm tỉnh chưa điều chỉnh. Trong ảnh: Người dân phường Phước Hiệp (TP. Bà Rịa) bỏ rác đúng nơi quy định chờ xe đến thu gom. |
THỰC HIỆN THEO ĐÚNG LỘ TRÌNH
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc điều chỉnh này là cần thiết sau 15 năm tỉnh áp dụng đơn giá theo Quyết định số 21/2004/QĐ-UB (áp dụng từ tháng 1/2005). Mức phí thu gom rác tại các hộ gia đình được quy định từ năm 2005, không phù hợp với tình hình thực tế. Lệ phí thu không đủ bù chi nên các địa phương phải nhờ sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương để sửa chữa, mua sắm xe máy thu gom rác thải... Việc áp dụng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo lộ trình từ năm 2020-2023 là điều cần thiết. Theo đó, phương án giá thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt mới nhằm tính đúng, tính đủ các chi phí để hàng năm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước; đồng thời tăng giá theo lộ trình trong điều kiện người dân có thể chấp nhận được và đơn vị đứng ra tổ chức thu gom, vận chuyển cũng không quá chật vật, khó khăn.
Phía các địa phương cũng khẳng định, việc tính phí thu gom và vận chuyển rác theo đơn giá mới là đúng lộ trình, phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương. Đại diện Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa cho biết, từ năm 2005 đến năm 2019, giá thu gom rác tại 3 xã Tân Hưng, Hòa Long, Long Phước thu với mức giá rất thấp, chỉ 5.000 đồng/tháng/hộ; giá thu gom và vận chuyển rác tại 8 phường còn lại với mức 10.000 đồng/tháng/hộ. Do đó, việc áp dụng khung giá thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt theo quyết định của UBND tỉnh từ năm 2005 như hiện nay không còn phù hợp. Đơn giá thấp khiến các đơn vị thu gom và vận chuyển gặp nhiều khó khăn, không có kinh phí thu gom và vận chuyển rác ở những tuyến không tập trung đông dân cư.
Theo Quyết định 26/2019/QĐ-UBND mức giá tối đa áp dụng kể từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2023 được chia ra làm 5 chủ nguồn thải, tương ứng với các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, đối với hộ gia đình từ 25.000-50.000 đồng/hộ/tháng; đối với hộ gia đình ở nhà (phòng) trọ từ 15.000-25.000 đồng/hộ/tháng; đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ 60.000-100.000 đồng/hộ/tháng. Còn đối với trụ sở làm việc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ 120.000-200.000 đồng/đơn vị/tháng; đối với công ty, DN, cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ, bến xe, bến tàu, cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, rau, quả, thực phẩm tươi sống từ 410.000-460.000 đồng/tấn hoặc từ 193.000-210.000 đồng/m3. |
Ông Phạm Đức Quý, Trưởng Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, Quyết định 26/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức xây dựng giá thu hàng năm trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa. Tổng số tiền thu trên tổng số tiền chi cho dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo theo lộ trình tổng số tiền thu phải đạt trên 80% tổng số tiền chi (2020); trên 90% (2021); trên 95% (2022) và trên 100% vào năm 2023. “Các địa phương căn cứ giá tối đa được quy định, tổ chức xây dựng giá thu cho dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn phù hợp với lộ trình thu hàng năm; xây dựng phương án thu và tổ chức thu bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật”, ông Quý khẳng định.
Xe chuyên dụng của Công ty VESCO thu gom rác trên đường Thùy Vân (TP.Vũng Tàu). |
Bài, ảnh: QUANG VŨ