Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ nhu cầu người dân

Thứ Năm, 26/03/2020, 21:14 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Công thương đã xây dựng 4 kịch bản với 4 cấp độ ứng phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu kiểm tra đơn hàng khách đặt online trước khi giao hàng.
Nhân viên siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu kiểm tra đơn hàng khách đặt online trước khi giao hàng.

TĂNG TIỆN ÍCH MUA SẮM TRỰC TUYẾN

Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại và các kênh thương mại điện tử như Lotte, Saigon Co.op, VinMart, Lazada, Tiki, Sendo… đã tăng các tiện ích trên kênh mua sắm trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Chị Đặng Thị Ngọc (chung cư Bình An, TP. Vũng Tàu) vốn quen với việc đi chợ hoặc siêu thị mua thức ăn tươi sống vào mỗi chiều tan làm. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, chị chuyển sang mua hàng trực tuyến. “Hơn 2 tuần trở lại đây, tôi đã chuyển sang đặt mua hàng trực tuyến của một siêu thị gần nhà và được giao hàng tận nơi. Từ khi đặt hàng đến khi nhận hàng chậm nhất chỉ 2 tiếng. Đồ ăn cũng khá tươi ngon như mình trực tiếp đến siêu thị chọn lựa”, chị Ngọc nói.

Nắm bắt xu thế này, các hệ thống bán lẻ cũng nhanh chóng đưa các sản phẩm bán tại siêu thị “lên mạng” như hệ thống VinMart+ khuyến khích người dân mua sắm với Scan&Go, giao hàng miễn phí 2-2,5 giờ cho đơn hàng từ 300.000 đồng trong khu vực cửa hàng đóng chân. Đặc biệt, người dân có thể thanh toán với ví điện tử VinID Pay. Hay tại Lotte Mart, trong mùa dịch COVID-19, khách hàng có thể mua hàng nhanh gọn và tiện lợi với ứng dụng Speed L trên điện thoại hoặc truy cập website speedl.vn… Đại diện Lotte Mart, nhà quản lý trang thương mại điện tử Speed L cho biết, hệ thống đang tập trung mở rộng mua sắm online trong mùa cao điểm. Số lượng đơn hàng của sàn tăng 3-4 lần so với ngày thường kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phân bổ cho trang online tăng gấp đôi và tăng thêm hàng tại siêu thị để bảo đảm đủ hàng giao cho khách đã đặt hàng qua ứng dụng. Nhà bán lẻ cũng phải cắt cử thêm nhân sự bán online. Bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu thông tin thêm, nếu trước đây, một ngày, nhân viên của siêu thị chuẩn bị hàng, kiểm hàng, giao hàng cho khách đặt hàng qua kênh mua sắm trực tuyến Speed L chỉ cần 1-2 người thì nay phải huy động đến 6 người vừa chuẩn bị hàng theo đơn của khách, rồi kiểm hàng và giao hàng cho khách. Tính ra, từ cuối tuần trước đến nay, trung bình mỗi ngày siêu thị giao hơn 20 xe hàng cho khách đặt thông qua ứng dụng mua sắm Speed L.

Người dân đặt mua thực phẩm, hàng tiêu dùng trên trang web speedl.vn của Lotte.
Người dân đặt mua thực phẩm, hàng tiêu dùng trên trang web speedl.vn của Lotte.

CHỦ ĐỘNG LÊN “KỊCH BẢN” ỨNG PHÓ

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch và có văn bản chỉ đạo các DN sản xuất kinh doanh chủ động nguồn hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, không để thiếu hàng hoặc nâng giá bất hợp lý, bảo đảm trong tình huống bất ngờ xảy ra vẫn đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở Công thương đã xây dựng 4 tình huống bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, mỗi tình huống tương đương mỗi cấp độ của dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Y tế. Khi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình huống nào, Sở sẽ căn cứ vào kế hoạch để triển khai, bảo đảm đáp ứng về nhu cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Nguồn hàng hóa dự trữ cho các tình huống gồm: gạo và các loại lương thực; thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, đông lạnh, nhu yếu phẩm (mắm, gia vị), nước uống. Theo bà Bùi Thị Dung, nếu trong trường hợp xấu nhất xảy ra, buộc phải phong tỏa thì nguồn hàng cung cấp chủ yếu trước mắt phải là lực lượng hàng hóa tại chỗ. Cụ thể, tổng lượng hàng gạo dự trữ tại các địa phương là 123.000 tấn; thịt các loại là 35.000 tấn; tôm cá là 42.000 tấn, mì tôm là 74.000 thùng; rau củ quả là 35.000 tấn. Tổng lượng hàng này có thể cung ứng đủ cho người dân của tỉnh trong 1 tháng.

Bên cạnh dự trữ hàng hóa, trong từng kịch bản ứng phó ngành cũng đã xây dựng kế hoạch vận động các DN hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, sản xuất khí công nghiệp, khí y tế, oxy già, dụng cụ y tế; sản xuất sợi, tơ, vải các loại. Việc đưa các DN này vào kịch bản ứng phó để chủ động điều chỉnh, chuyển một phần hoạt động sản xuất - kinh doanh vào tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch khi ở cấp độ 4 để sản xuất thiết bị vật tư y tế phục vụ cho việc ngăn ngừa, phòng chống dịch COVID-19. “Sở Công thương sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, phối hợp, điều phối các DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Đồng thời chủ động phối hợp đưa tin chính xác về diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh, không để phát tán tin đồn thất thiệt; tăng cường công tác kiểm tra, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi”, bà Bùi Thị Dung nói. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.