Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định như vậy tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với DN diễn ra chiều 6/3. Dự hội nghị còn có ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương và đông đảo DN trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Dongjin, KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ. Ảnh: AN NHẬT |
VẪN CÒN TÌNH TRẠNG XỬ LÝ HỒ SƠ TRỄ HẸN
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin, mặc dù môi trường đầu tư đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên trong quá trình thực thi công vụ, một số bộ phận, cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng xử lý hồ sơ trễ hẹn, chưa thật sự năng động, chủ động hướng dẫn giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của DN; tình trạng gây phiền hà cho DN, nhà đầu tư vẫn còn xảy ra.
Ông Nguyễn Công Vinh, cho biết: Tại kỳ đối thoại trước (diễn ra ngày 8/8/2019), Tỉnh đã tiếp nhận 35 nội dung kiến nghị của 25 DN liên quan đến các nhóm vấn đề: Đất đai, thuế, đầu tư, vốn, lao động, giao thông. Tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị của nhà đầu tư, DN. Các sở, ngành đã có 24 văn bản xử lý kiến nghị của 20 DN. Còn lại 11 ý kiến của 6 DN (Công ty CP Công nghệ Việt- Séc, Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu, Công ty CP Tín Nghĩa Phương Đông, Công ty CP Chế biến - Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT, Công ty CP Phú Hải, Công ty TNHH Qudos Hồ Tràm) đang tiếp tục được phối hợp, xử lý và phải xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành.
ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH Tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để DN phát triển Tại hội này, tôi đánh giá cao sự mạnh mẽ của DN vì đã trao đổi rõ ràng, thẳng thắn những bất cập liên quan đến pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, xử lý đến cùng các vấn đề của DN. Các sở, ngành cần tiếp cận các vấn đề mà DN phản ánh liên quan đến pháp luật, tìm hiểu sự bất cập của pháp luật để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý chuẩn mực, thúc đẩy sự phát triển. Về việc DN phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức, đề nghị Sở Nội vụ thanh tra công vụ để làm rõ. Nếu đúng như sự phản ánh của DN phải xử lý theo tinh thần không để cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vi phạm ở vị trí đó nữa. Không thể để những cán bộ công chức không đủ phẩm chất làm cản trở sự phát triển của tỉnh mà phải làm sao xây dựng đội ngũ công chức thực sự khi phục vụ không vụ lợi nhân dân và DN. Ngoài ra, để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN, chiều thứ 5 hàng tuần, lãnh đạo tỉnh sẽ dành thời gian để tiếp 3 DN, mỗi DN 1 tiếng. Như vậy 1 tháng sẽ giải quyết khó khăn cho 12 DN, 1 năm hơn 100 DN. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để DN phát triển, ủng hộ DN làm ăn đúng pháp luật và có trách nhiệm với xã hội. |
Tại hội nghị lần này, đã có 15 ý kiến phản ánh của DN, tập trung vào các vướng mắc về thuế, thủ tục đất đai, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN cũng mong muốn tỉnh đẩy nhanh thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án. Khẳng định thời gian qua các sở, ngành cũng đã thay đổi cách làm việc, chủ động liên hệ với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Công Vinh cho biết thêm, riêng đối với Sở KH-ĐT, DN có thể gửi câu hỏi về hộp thư Cổng thông tin điện tử hoặc email công vụ của Sở KH-ĐT (sokhdt@baria-vungtau.gov.vn), Sở sẽ căn cứ nội dung kiến nghị để thực hiện giải đáp hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động bố trí lịch tiếp và làm việc. Sở KH-ĐT cũng để nghị các sở, ngành, UBND các huyện thị, thành phố sau khi tiếp nhận thông tin, phản ánh của DN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở KH-ĐT để xử lý dứt điểm các nội dung kiến nghị và thực hiện trả lời của DN.
ÔNG NGUYỄN VĂN THỌ, CHỦ TỊCH UBND TỈNH Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng DN Thời gian qua, với sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành các cấp cùng với sự chung sức chung lòng của cộng đồng DN, các nhà đầu tư, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá tốt trên hầu hết các lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư, DN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Do đó, để đồng hành cùng DN, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Tỉnh chú trọng nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị; bảo đảm nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, đúng thời gian. DN và nhà đầu tư sắp xếp thời gian, liên hệ với các sở, ngành đăng ký lịch để các sở, ngành chủ động bố trí lịch tiếp và làm việc. |
GIÃN NỢ NGÂN HÀNG, THUẾ CHO DN
Tại hội nghị đối thoại, các DN lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu của các lĩnh vực này bị giảm sút đáng kể. Trong đó, dịch vụ lữ hành giảm tới 9,65%, hoạt động mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống cũng giảm sâu. Riêng ngành du lịch bị thất thu nặng nhất, nhiều hệ thống khách sạn, nhà hàng doanh thu đã giảm 30-50% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Rừng Forny. |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong rừng Forny, TP.Vũng Tàu phản ánh: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay sức tiêu thụ sản phẩm của các DN giảm từ 30-40%, xuất nhập khẩu bị ngưng trệ. Công ty TNHH Mật ong rừng Forny, dù là DN khởi nghiệp xuất sắc nhưng hiện tại cũng hết sức khó khăn, sản phẩm khó tiêu thụ. Trong khi hàng xuất hóa đơn phải chờ 40-45 ngày đối tác mới chuyển tiền, nhưng thuế thì vẫn phải đóng đúng kỳ hạn. DN phải ứng tiền để đóng thuế. “Để duy trì sản xuất, Nhà nước cần nhanh chóng triển khai chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, chính sách thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa”, ông Thắng nói.
Doanh nghiệp cần được miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, chính sách thuế để ổn định sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân Công ty Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) kiểm tra, vệ sinh bồn chứa dầu trước khi xuất khẩu. Ảnh: MINH TÂM |
Dự hội nghị đối thoại, chuyên gia kinh tế - TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng đã chia sẻ các vấn đề về quản trị rủi ro DN trước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Theo TS. Võ Trí Thành, bài toán lớn nhất hiện nay vẫn là làm sao cứu người, dập dịch, giảm thiểu tối đa tác động bất lợi tới nền kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Thông, phụ trách công tác đối ngoại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Sài Gòn Việt Nam. |
Theo đó, cần xác định dịch bệnh này có tác động nghiêm trọng với kinh tế Việt Nam, đòi hỏi sự quyết liệt từ phía Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn các phương án gắn với các ngành kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch, cần có các kịch bản sẵn với phản ứng chính sách kịp thời hỗ trợ DN.
Kịch bản cần dự liệu về mức độ, liều lượng, quy mô, phạm vi ảnh hưởng của dịch, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ cho từng ngành, nhóm DN, bảo đảm thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí đầu vào cho DN như giảm phí điện, nước... “Các chính sách liên quan tới tiền tệ, đảm bảo thanh khoản, giảm lãi suất, chính sách chi trả bảo hiểm, giảm, giãn thời gian đóng thuế, đặc biệt với các DN gặp khó từ dịch bệnh, nhất là các DN nhỏ và vừa”, TS. Võ Trí Thành nói.
SONG THẢO