.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 28,7% so với cùng kỳ

Cập nhật: 20:33, 01/03/2020 (GMT+7)

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2/2020 ước tính đạt 18,1 ngàn tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn Trung ương 2,5 ngàn tỷ đồng, tăng 37,8%; vốn địa phương 15,6 ngàn tỷ đồng, tăng 27,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 36,9 ngàn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 8,2% và tăng 3,8%).

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội đạt 4.266 tỷ đồng, bằng 9,4% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; Thanh Hóa 1.149 tỷ đồng, bằng 11,2% và tăng 7%; BR-VT 1.134 tỷ đồng, bằng 11,7% và tăng 15,1%; TP. Hồ Chí Minh 997 tỷ đồng, bằng 2,1% và giảm 0,1%...

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó có 500 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5 tỷ USD, giảm 2,7% về số dự án và tăng 104,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 151 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, giảm 25,4%; 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 827,3 triệu USD, giảm 84%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 265 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 283,3 triệu USD và 1.318 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 544 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 79,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 797,8 triệu USD, chiếm 16%; các ngành còn lại đạt 205,9 triệu USD, chiếm 4,1%...

Trong 2 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 418,5 triệu USD, chiếm 8,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung quốc) 167,1 triệu USD, chiếm 3,3%...

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng có 20 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,4 triệu USD; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 8,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 30,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,6 triệu USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 4,2 triệu USD, chiếm 13,8%. Trong 2 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu nhận đầu tư của Việt Nam với 19,8 triệu USD, chiếm 65,2%; Campuchia 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%...

KIM ANH

 
.
.
.