DỰ ÁN CỤM DỊCH VỤ GA CÁP TREO VÀ THỦY CUNG HÒN NGƯU

Thêm sản phẩm du lịch độc đáo

Chủ Nhật, 22/03/2020, 20:58 [GMT+7]
In bài này
.

Lời tòa soạn: Sau khi Báo BR-VT đăng bài về dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư cũng như DN và người dân đã có nhiều quan điểm về dự án này. Báo BR-VT trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về nội dung này.

Người dân và du khách vui chơi tại KDL Hồ Mây - một trong những dự án thành phần của dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Người dân và du khách vui chơi tại KDL Hồ Mây - một trong những dự án thành phần của dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu. Ảnh: MỸ LƯƠNG

TÁC ĐỘNG TỚI THỦY SINH KHÔNG LỚN

Trong thời gian qua, nhiều thành phố du lịch ven biển tại Việt Nam đã và đang hình thành, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực như TP. Hạ Long, Đồ Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Rạch Giá… TP. Vũng Tàu là một trong các thành phố du lịch có những bước phát triển du lịch mạnh mẽ, góp phần giải quyết được công ăn việc làm, khai thác tối đa nguồn tài nguyên theo hướng bền vững, tạo bộ mặt đô thị du lịch cảnh quan cho khu vực phía Nam.

Theo định hướng đó, dự án “Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu” đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định 1471/QĐ-UBND ngày 6/6/2018 của UBND tỉnh BR-VT. Trước hết phải khẳng định đây không phải là dự án mới mà là dự án đã đi vào hoạt động từ lâu. Dự án được chia thành 2 khu A và B. Khu A là phần đã được san lấp có diện tích 3,9ha (trong đó gần 1,9ha mặt đất, hơn 2ha mặt nước). Hiện nay, tại khu A đã có các công trình hiệu hữu đang hoạt động bao gồm: nhà ga số 1, khu nhà hàng, quán cà phê, bến tàu, nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe, đường nội bộ, khu vực tập kết chất thải rắn và chất thải nguy hại, trạm xử lý nước thải công suất 50m3/ngày/đêm, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện và thông tin liên lạc... Khu B là phần chưa san lấp của dự án có diện tích 3ha (trong đó có hơn 1ha là mặt nước). Chủ dự án sẽ tiếp tục san lấp 1,98ha để xây dựng hạng mục thủy cung và một số công trình phụ khác. 

Trước ý kiến quá trình xây dựng và hoạt động của các hạng mục công trình dự án (đê chắn sóng, tòa nhà thủy cung, nhà dịch vụ…) sẽ làm thay đổi hướng dòng chảy ven bờ, dẫn tới nguy cơ gây sạt lở bờ. Tuy nhiên, để giảm tác động dòng chảy và sóng có thể sử dụng các khối bê tông triệt tiêu năng lượng sóng biển Tetrapod nặng từ 1 tấn đến 3 tấn ở mặt ngoài đê chắn sóng và các công trình lấn ra biển. Ngoài ra, dự án có khả năng gây bồi lắng khu vực biển ven bờ. Qua nghiên cứu cho thấy, do hàm lượng TSS (độ  đục) trong nước biển ven bờ rất thấp (18-22mg/l) và có dòng chảy ven bờ với vận tốc trung bình 0.6m/s theo hướng Đông Bắc và 1.0m/s theo hướng Tây Nam (tốc độ lớn nhất là 1,48m/s), nên khả năng bồi lắng không lớn. Bên cạnh đó, do quy mô diện tích dự án không lớn, chủ dự án áp dụng các biện pháp thi công phù hợp như nạo vét đá mồ côi, xây dựng bằng rọ đá, bê tông đúc sẵn…, nên gây độ đục thấp, vì vậy, tác động tới thủy sinh không lớn. Hơn nữa, các tác động tới thủy sinh chỉ xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng. Sau một thời gian hoạt động thủy sinh tại khu vực dự án có khả năng tự phục hồi.

CẦN TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG

Trong thời gian qua có rất nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã được xây dựng thành công trên thế giới như: City of Miami - Florida (Mỹ); quần đảo Thế giới (Islands), đảo Cọ ở Dubai, Marina Bay (Singapore), công trình đê biển Afsluitdijk (Hà Lan), vịnh Manila (Philippines). Tại Việt Nam, dự án đô thị lấn biển Rạch Giá được Thủ tướng phê duyệt năm 1999, có tổng diện tích 420ha. Đây là đô thị lấn biển thu hút nhiều sự quan tâm của người dân do hướng nhìn biển thoáng đãng, cảnh quan rộng mở, không khí trong lành, được thụ hưởng nhiều dịch vụ như giải trí, điểm ăn uống, tham quan, thư giãn… Sau thành công từ dự án lấn biển đầu tiên vào năm 1999, năm 2015, TP. Rạch Giá tiếp tục khởi công dự án lấn biển thành phố tại khu Tây Bắc với diện tích gần 100ha và khu vực bãi bồi tự nhiên 16ha. Các dự án lấn biển Rạch Giá đã giải quyết đất ở cho hơn 60.000 người dân và là nơi xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học… Nằm trong chiến lược phát triển đô thị biển, tháng 7/2019 vừa qua, tỉnh Kiên Giang tiếp tục khởi động dự án lấn biển mới, với quy mô 68,68ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng hơn 2.000 sản phẩm bao gồm nhà phố, căn hộ, biệt thự… Dự án khởi công ngày 29/7/2019 và nằm ở vị trí trung tâm TP. Rạch Giá kế với quảng trường Trần Quang Khải. Khi hoàn thành, khu lấn biển mới này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm nhà ở, giải trí chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ở, vui chơi, giải trí của hàng chục nghìn người.

Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều dự án có hoạt động lấn biển đã và đang triển khai thực hiện tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh... Đối với mỗi dự án, các cơ quan chức năng đều yêu cầu xem xét kỹ về tác động môi trường trước khi cho dự án triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, đã có nhiều dự án tuân thủ nghiêm túc các quy định bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và hoạt động, nên tác động tới môi trường đã được giảm thiểu đáng kể, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và cộng đồng.

Trên cơ sở xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ dự án phối hợp với đơn vị tư vấn lập, đã được Sở TN-MT tổ chức thẩm định nghiêm túc và đã được UBND tỉnh BR-VT phê duyệt, đây là một dự án được thực hiện ở vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh BR-VT nói chung và TP.Vũng Tàu nói riêng. Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực và vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân, thúc đẩy các ngành kinh tế khác có liên quan phát triển, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

PGS.TS. PHÙNG CHÍ SỸ

;
.