.

Cùng doanh nghiệp vượt khó trong dịch COVID-19 - Bài 1: Doanh nghiệp "xoay sở" duy trì sản xuất

Cập nhật: 00:50, 13/03/2020 (GMT+7)
Dịch COVID-19 đã và đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có BR-VT. Trước tình hình này, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ DN, vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương, đúng với tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng DN”.
 
Nếu dịch COVID-19 kéo dài, nhiều DN sẽ có nguy cơ ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu.  Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Dệt Tah Tong Việt Nam (KCN B1, Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ). Ảnh: VÂN ANH
Nếu dịch COVID-19 kéo dài, nhiều DN sẽ có nguy cơ ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Dệt Tah Tong Việt Nam (KCN B1, Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ). Ảnh: VÂN ANH

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các DN nỗ lực tìm giải pháp ứng phó để duy trì hoạt động sản xuất như: tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, bố trí các nhân sự hỗ trợ tạm thời hoặc chỉ đạo công việc từ xa qua mạng internet và các phần mềm ứng dụng quản lý.

HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG

Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 Conac, TX. Phú Mỹ) chuyên hoạt động trong lĩnh vực may vali, túi xách xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ. Trung bình mỗi năm DN xuất khẩu 50.000 sản phẩm các loại sang các nước châu Âu, Mỹ. Năm 2020, Công ty đã ký kết được hợp đồng cung cấp sản phẩm đến tháng 9. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn, 2 dây chuyền may đã phải ngưng hoạt động, 6 dây chuyền còn lại hoạt động cầm chừng, công suất giảm 1/3 so với bình thường. Ông Yang San Hsien, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Hiện 70% nguyên liệu phải nhập từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, trong đó, Trung Quốc chiếm đến 60%. Đến thời điểm này, nhiều sản phẩm vali, túi xách đã hoàn thành được 80-90% nhưng phải dừng lại do thiếu một số nguyên vật liệu sản xuất. Do đó, từ đầu năm đến nay Công ty chưa xuất được lô hàng nào. 

Công nhân Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tiến Dũng (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) gia công dép xốp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: VÂN ANH
Công nhân Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tiến Dũng (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) gia công dép xốp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: VÂN ANH

Công TNHH Bắc Hà (số 15, Lam Sơn, phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ), chuyên sản xuất bàn nail cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty cho biết: Các sản phẩm bàn nail của DN chủ yếu xuất khẩu sang các nước Mỹ, Đức, Canada, Anh… Từ đầu năm đến nay, nhờ dự trữ được nguồn nguyên liệu từ trước Tết nên DN đã sản xuất và xuất khẩu được 2 container hàng hóa, trị giá 60.000 USD. Công ty cũng đã ký được hợp đồng với các đối tác đến hết năm, tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập từ Trung Quốc nên DN đang rất lo lắng. “Với đà này, nguyên liệu sản xuất của DN chỉ cầm cự được đến hết tháng 3 này. Như vậy, nguy cơ giao hàng cho khách sẽ khó đúng hẹn”, ông Cảnh cho biết.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay các DN điện tử chỉ còn đủ linh kiện, phụ kiện để sản xuất đến cuối tháng 3/2020. Ngành dệt may, da giày cũng chỉ dự trữ nguyên liệu sản xuất đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020.

Ngoài việc thiếu nguyên liệu sản xuất, các DN còn lao đao vì hàng trăm lao động nước ngoài tại thời điểm này vẫn chưa thể quay trở lại với công việc. Thông tin từ Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện còn hơn 150 lao động nước ngoài – chủ yếu là các chuyên gia vẫn chưa thể trở lại Việt Nam làm việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông Chen Chun Zhi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tong Hong Tannery Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2) cho biết: Công ty hiện còn 24 chuyên gia “mắc kẹt” ở vùng dịch, vì thế từ Tết đến nay DN chỉ hoạt động cầm chừng. Nếu như trước đây, hàng tháng công ty sản xuất 8 triệu các sản phẩm thuộc da thì nay giảm xuống còn 50%. Thiệt hại ước tính 5 triệu USD/tháng. Chưa kể thời gian giao hàng cho đối tác phải kéo dài gấp đôi và việc giao hàng trễ DN sẽ phải bồi thường cho khách hàng. 

TÌM GIẢI PHÁP THAY THẾ NGUỒN NGUYÊN LIỆU

Hiện nhiều DN đang phải xoay sở mọi cách để tiếp tục sản xuất nhằm đảm bảo việc làm và thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Để duy trì sản xuất, nhiều DN đã chủ động tìm nguồn hàng cung ứng thay thế. Bà Hoàng Hồng Thắm, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tiến Dũng (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cho biết: Để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, DN đang tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Cụ thể, các vật liệu như hạt nhựa, ray kéo, mặt đá… công ty đang tìm nguồn từ các DN sản xuất trong nước cũng như một số nước châu Âu.

Công nhân Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) hàn đầu ống công nghệ, một bộ phận trong thiết bị xử lý khí thải cho tàu biển xuất khẩu. Ảnh: THỤY NHIÊN
Công nhân Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) hàn đầu ống công nghệ, một bộ phận trong thiết bị xử lý khí thải cho tàu biển xuất khẩu. Ảnh: THỤY NHIÊN

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam, ông Yang San Hsien, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Trước mắt Công ty phải đàm phán với đối tác giãn thời gian giao hàng. Đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong kho có chất lượng tương đương để tạo thêm các sản phẩm có mẫu mã mới vừa để giúp đối tác có thêm lựa chọn vừa để duy trì sản xuất. Song song đó, Công ty cũng tính đến phương án nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác nếu dịch còn kéo dài để tiếp tục triển khai các đơn hàng đã ký, trong đó chủ yếu là các loại da chuyên dụng để sản xuất vali, túi xách, dù chi phí đầu vào có tăng thêm.

Không chỉ chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất, hiện nay nhiều DN cũng đang đưa ra các phương án giải bài toán nhân sự. Ông Chang Yi Hsun, Giám đốc Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) cho biết: Hiện DN có 18 chuyên gia người Trung Quốc chưa trở lại làm việc nên ảnh hưởng tới việc quản lý, điều hành sản xuất. Tuy nhiên, DN đã chủ động và linh hoạt bằng cách điều chỉnh công việc và mở rộng phạm vi quản lý là lao động người Việt Nam. Theo đó, những cán bộ kỹ thuật làm việc lâu năm là người Việt Nam đã được bố trí đảm nhận vào vị trí của các chuyên gia nước ngoài. Nếu trong quá trình điều hành có vấn đề gì chưa rõ, họ sẽ trao đổi với nhau qua điện thoại, mạng xã hội và các phần mềm ứng dụng quản lý.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động đến kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh, đặc biệt là các ngành phải nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc như: thủy sản giảm 88,53%; sắt thép các loại giảm 87,26%; vải các loại giảm 26,26%; máy móc thiết bị và phụ tùng giảm 80,51% so với cùng kỳ.

(Nguồn: Sở Công thương)

Tuy nhiên theo các DN, những giải pháp thay thế trên chỉ tạm thời. Do đó, về lâu dài, để đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, các bộ, ngành và Chính phủ cần có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế; khuyến khích DN phụ trợ trong nước tăng cường sản xuất cung ứng cho nội địa. Đồng thời đầu tư nguồn lực từ ngân sách để tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... Mặt khác tăng cường các gói hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong rừng Forny, TP.Vũng Tàu cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay sức tiêu thụ sản phẩm của các DN giảm từ 30-40%, xuất nhập khẩu bị ngưng trệ. Trong khi hàng xuất hóa đơn phải chờ 40-45 ngày, đối tác mới chuyển tiền, nhưng thuế thì vẫn phải đóng đúng kỳ hạn. Để tránh bị phạt do đóng chậm tiền thuế, DN phải ứng tiền để đóng thuế. “Để duy trì sản xuất, Nhà nước cần nhanh chóng triển khai chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, chính sách thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa”, ông Thắng nói.

Nhóm phóng viên KINH TẾ

(Còn nữa)

 
 
.
.
.