Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,72% so với tháng 2 và tăng 0,34% so với tháng 12/2019. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 năm nay đã tăng 4,87%.
Theo Tổng cục Thống kê, với kết quả trên, bình quân CPI trong quý I đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng bình quân quý I cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng 3 cũng giảm 0,06% so với tháng trước.
Các nguyên nhân chính làm tăng CPI của quý đến từ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán khiến giá các mặt hàng lương thực tăng 1,51% so với cùng kỳ và góp phần làm cho CPI chung tăng 0,07%. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng 13,21% so với cùng kỳ, góp vào CPI tăng 2,99%.
Ngoài ra, ảnh hưởng của mưa lớn, mưa đá tại các địa phương miền Bắc và hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến nguồn cung rau xanh sụt giảm. Thêm vào đó, dịch bệnh COVID-19 đã làm cho nguồn rau, quả của Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam nên giá rau tăng 4,14% trong cả quý.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI cũng có một số tác động kiềm chế CPI quý đầu tiên. Cụ thể, giá xăng dầu trong nước giảm trong 5 đợt, bình quân quý 1 giá xăng dầu giảm 5,75% so với tháng 12/2019. Cộng thêm tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, nhu cầu đi lại của người dân trong bối cảnh dịch bệnh giảm đã làm cho giá vé máy bay riêng trong tháng 3 giảm 41,14% so với tháng 2.
THANH BÌNH