Những ngày qua, nhiều chủ vườn trái cây đang đứng ngồi không yên vì hàng loạt nông sản như thanh long, mít, cam quýt… liên tục rớt giá. Có những loại trái cây, giá bán chỉ còn một nửa so với thời điểm cuối năm ngoái nhưng vẫn không có người mua.
Bà Nguyễn Thị Thành (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thu hoạch mít chờ thương lái thu mua. |
Giảm giá còn một nửa vẫn không có người mua
Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nông dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc tập trung thu hoạch thanh long chong đèn trái vụ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, giá thanh long liên tục giảm mạnh, thậm chí dù thanh long đã chín rộ, song nhiều nhà vườn không muốn thu hoạch vì không có thương lái thu mua.
Ông Đào Bá Trường (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) hiện có 5 sào thanh long ruột trắng và đỏ đang cho thu hoạch. Ông Trường cho biết, vụ thanh long nghịch mùa này ông xử lý để bán trước và sau Tết Nguyên đán, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 6 tấn trái. Trong dịp Tết ông đã thu hoạch được ½ số thanh long bán với giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vừa xuất bán đợt đầu tiên trong năm mới, giá thanh long đã giảm xuống còn 15.000 đồng/kg, vài ngày trở lại đây giá tiếp tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 5.000- 7.000 đồng/kg.
Những nông dân trồng mít trên địa bàn xã Suối Rao, huyện Châu Đức cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi giá mít đột ngột giảm xuống còn một nửa so với trước đó chỉ vài tuần. Gia đình bà Nguyễn Thị Thành (thôn 3, xã Suối Rao) hiện có khoảng 100 gốc mít đang cho thu hoạch. Trước Tết Nguyên đán, thương lái thu mua liên tục để xuất sang Trung Quốc với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Vậy nhưng hiện giá chỉ còn hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg mà không thương lái nào mua. Số lượng bán ra cho nhu cầu nội tỉnh, trong nước không nhiều. Tương tự, các loại trái cây khác như cam, xoài, bưởi cũng liên tục rớt giá, ứ đọng ở các nhà vườn.
Cần mở rộng thị trường, tránh lệ thuộc
Nguyên nhân nông sản liên tục rớt giá và dồn ứ tại các nhà vườn trên địa bàn tỉnh được xác định là do dịch bệnh từ virus Corona bùng phát tại nhiều tỉnh, thành Trung Quốc dẫn đến sự thông thương hàng hóa, nông sản bị đình trệ.
Trên thực tế, các chủ vườn tại BR-VT vẫn có thói quen thường chờ thương lái tới tận vườn thu hoạch, trong khi thương lái lại phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc nên nhà vườn luôn ở thế bị động. Đặc biệt, sau khi có dịch cúm do virus Corona, thị trường Trung Quốc gần như bị “đóng băng” do nhiều thành phố bị phong tỏa, không thông thương. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhà vườn và người kinh doanh trái cây trong nước nói chung và BR-VT nói riêng.
Riêng đối với thanh long, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trước mắt UBND huyện sẽ phối hợp với các địa phương phát động “giải cứu” để người dân 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng giảm bớt phần nào khó khăn, thiệt hại do giá rớt xuống thấp, thương lái không thu mua. “Về lâu về dài, chúng tôi kiến nghị ngành nông nghiệp triển khai đến người dân về bảo hiểm nông nghiệp để người dân giảm bớt rủi ro trong sản xuất trồng trọt. Cùng với đó, hướng dẫn, khuyến khích người trồng thanh long tìm kiếm đầu ra ở các thị trường khác, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, bà Trang Đài cho biết thêm.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ điều tiết sản xuất nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất ồ ạt để tránh tình trạng dư thừa nguồn hàng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phương pháp canh tác phù hợp với thời tiết; ứng dụng khoa học, công nghệ vào trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học mà thay vào đó là dùng nhiều phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đầu tư phát triển mạnh mô hình du lịch vườn. Qua đó, không chỉ hứa hẹn có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách mà còn phát triển nông nghiệp một cách bền vững, từ quy hoạch diện tích đến năng suất, sản lượng và chất lượng.
(Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT)
|
Được biết, Sở Công Thương và Sở NN-PTNT hiện đang rà soát thông tin về sản xuất (diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng…); tiến độ thu hoạch; phối hợp theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong và ngoài nước của các DN, cơ sở đóng gói/chế biến trên địa bàn đối với nông thủy sản, trái cây, đặc biệt là với các đối tác Trung Quốc để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với các mặt hàng trái cây đang chính vụ thu hoạch.
Bài, ảnh: KIM HỒNG